Khuyến nghị được đưa ra trong báo cáo kinh tế Việt Nam tháng 5 mới phát hành của HSBC. Dữ liệu của Tổng cục Thống kê cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng trước tăng 4,44% so với cùng kỳ 2023. Việc lạm phát neo sát mức trần 4,5% của Ngân hàng Nhà nước là điều cần lưu ý, theo nhà băng này.
Tháng qua, trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có đến 10 nhóm tăng giá. Tăng nhanh nhất có thể kể đến chi phí cho giáo dục, y tế, xây dựng hay thực phẩm. Phân tích chi tiết hơn càng cho thấy một bức tranh khá đa chiều.
Cụ thể, trong khi giá gạo tháng 5 giảm so với tháng trước, giá thịt lợn đẩy đà tăng giá thực phẩm nói chung lên. Hay mặc dù giá dầu giảm nhưng giá điện tăng. "Con số này cho thấy một bức tranh có phần đa chiều trong mảng thực phẩm và năng lượng, đòi hỏi một sự giám sát chặt chẽ trong ngắn hạn", báo cáo nêu.
Tính chung 5 tháng đầu, CPI tăng 4,03%, được thúc đẩy chính bởi giá của các nhóm ngành giáo dục, y tế, nhà ở và giải trí tăng, theo Tổng cục Thống kê.
Áp lực lạm phát một phần đến từ giá đầu vào. Do độ mở nền kinh tế cao, Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi biến động hàng hóa toàn cầu, theo HSBC. Tuần trước, Khảo sát chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của S&P Global cho biết tháng 5 cũng chứng kiến lần đầu tiên các công ty tăng giá bán kể từ tháng 2.
Nguyên nhân bởi các nhà sản xuất Việt Nam đối mặt với đầu vào tăng mạnh, do VND giảm giá so với USD, cùng với chi phí và nhiên liệu cao hơn. "Yếu tố thúc đẩy tăng giá nhập khẩu chính là đồng VND yếu đi", bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC giải thích.
Thời gian qua, diễn biến tỷ giá do môi trường lãi suất cao kéo dài ở Mỹ khiến Ngân hàng Nhà nước chủ động hơn trong giải quyết áp lực ngoại tệ, thông qua nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt hơn, bên cạnh điều chỉnh lãi suất tái cấp vốn.
HSBC dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ lãi suất chính sách ổn định, bởi phục hồi kinh tế vẫn còn trong giai đoạn sơ khởi nên đòi hỏi sự cân bằng khéo léo trong chính sách tiền tệ.
Viễn Thông