Số nhân sự bị cắt giảm vào khoảng 25.000 - 30.000 người, thuộc Hewlett Packard Enterprise - tập trung vào các hoạt động tăng trưởng mạnh của hãng, như điện toán đám mây hay an ninh mạng. Trong khi đó HP sẽ bán các sản phẩm tăng trưởng chậm, như máy in và máy tính cá nhân.
HP cho biết việc này sẽ giúp họ cắt giảm 2,7 tỷ USD chi phí mỗi năm. Nhưng để thực hiện kế hoạch, họ cũng sẽ tốn 2,7 tỷ USD.
Trong một cuộc họp với các nhà phân tích tại Wall Street, Chủ tịch kiêm CEO HP - Meg Whitman đã cho biết: "Chúng tôi đã làm rất nhiều việc trong vài năm qua để giảm chi phí và đơn giản hóa các quy trình. Những động thái cuối cùng này sẽ hạn chế nhu cầu tái cấu trúc tập đoàn về sau". Động thái này sẽ giúp họ "tạo ra cấu trúc cạnh tranh hơn, bền vững hơn" cho công ty mới.
Suốt thập kỷ qua, đại gia công nghệ này đã chật vật với việc nhu cầu khách hàng thay đổi, khi ngày càng ít người dùng máy tính để bàn. Trước đó, họ đã lên kế hoạch sa thải 55.000 nhân viên trong kế hoạch tái cấu trúc khởi động năm 2012.
Từ tháng 10 năm ngoái, HP đã công bố chiến lược tách đôi, giúp cả hai công ty mới có được sự linh hoạt cần thiết để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và sự biến đổi trên thị trường. Họ cũng có thể mạnh dạn theo đuổi các cơ hội hơn trước đây. Việc tách riêng dự kiến hoàn tất cuối tài khóa 2015.
Sau khi chia tách, bà Whitman sẽ làm CEO HP Enterprise. Tại công ty còn lại, bà chỉ nắm chức chủ tịch, để Dion Weisler - một lãnh đạo khác của HP làm CEO.
HP Enterprise sẽ bắt đầu giao dịch trên sàn chứng khoán từ ngày 1/11 với mã HPE. Cổ phiếu HP đã mất giá gần một phần ba năm nay.
Thời gian gần đây, nhiều công ty lớn trên thế giới cũng đã thông báo sa thải hàng loạt nhân công. Hôm qua, ngân hàng Deutsche Bank (Đức) cho biết sẽ cắt giảm 23.000 người - gần một phần tư nhân lực, chủ yếu thuộc bộ phận công nghệ. Tuần trước, UniCredit - nhà băng lớn nhất Italy về giá trị tài sản, cũng lên kế hoạch bỏ 10.000 nhân lực để giảm chi phí và tăng lợi nhuận. Số nhân sự bị cắt giảm tập trung tại Italy, Đức và Áo.
Hà Thu (theo BBC/CNN)