Tin đồn HP tách đôi đã có từ cuối tuần trước, khi Wall Street Journal dẫn lời một nguồn tin thân cận. Nhưng đến cuối ngày 6/10, hãng mới chính thức lên tiếng xác nhận. Động thái này nằm trong kế hoạch tái cấu trúc, vốn đã khiến hàng chục nghìn nhân viên HP bị sa thải trong những năm gần đây.
2014 đang là năm thứ 4 trong kế hoạch 5 năm nhằm vực dậy HP, giúp công ty thích nghi với kỷ nguyên di động và điện toán Internet. CEO hiện tại của HP - bà Meg Whitman sẽ là người đứng đầu Hewlett Packard Enterprise - mảng dịch vụ, phần cứng cho doanh nghiệp.
Tại công ty còn lại, bà chỉ nắm chức chủ tịch, để Dion Weisler - một lãnh đạo khác của HP làm CEO. Mảng in ấn và máy tính cá nhân đang phát triển mạnh hơn, khi quý trước đã đóng góp nửa doanh thu và lợi nhuận cho HP. Các cổ đông hiện tại sẽ được chia cổ phần ở cả hai công ty.
Bà Whitman cho biết việc chia tách sẽ giúp cả hai công ty "có được sự linh hoạt cần thiết để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và sự biến đổi trên thị trường". Họ cũng có thể mạnh dạn theo đuổi các cơ hội hơn trước đây.
Việc tách riêng dự kiến hoàn tất cuối tài khóa 2015. Giới phân tích thì chưa thể khẳng định liệu việc này có giúp hãng cạnh tranh tốt hơn với các đối thủ hay không, hoặc liệu hai công ty mới có thành ra đối đầu với nhau hay không.
"Cả hai mảng này đều đang giảm doanh thu, và rất nhiều người nghi ngờ liệu đứng độc lập có giúp thay đổi tình hình hay không. Chi phí marketing, vay vốn, thu mua của từng công ty sẽ khiến chi phí của HP tăng lên, lợi thế tiết kiệm chi phí nhờ quy mô lớn cũng không còn nữa, nhiều khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của hãng", Arnaud Gagneux – nhà phân tích tại CCS Insight cho biết.
HP đang chịu sức ép từ các đối thủ mới, trong đó có Lenovo của Trung Quốc. Hãng này đã giành ngôi hãng sản xuất máy tính cá nhân lớn nhất thế giới của HP năm 2012.
HP được thành lập năm 1939 bởi Bill Hewlett và Dave Packard. Hãng có công rất lớn trong việc phát triển ngành PC toàn cầu và hiện có hơn 300.000 nhân viên.
Hà Thu