Ba quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ giấu tên cho biết sự việc xảy ra hôm 19/2 khi nhóm vũ trang Houthi phóng tên lửa phòng không nhằm vào tiêm kích F-16 nước này đang bay trên Biển Đỏ, ngoài khơi Yemen. Quả đạn không trúng mục tiêu, chưa rõ máy bay Mỹ có thực hiện biện pháp đối phó hay chịu hư hại gì hay không.
Lực lượng Houthi sau đó tiếp tục phóng thêm một tên lửa phòng không về phía máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper của Mỹ đang bay qua Yemen, bên ngoài khu vực do nhóm vũ trang này kiểm soát.

Tiêm kích F-16 Mỹ cất cánh diễn tập tại Arab Saudi hôm 28/1. Ảnh: USAF
Houthi từng bắn hạ ít nhất 14 máy bay MQ-9 Mỹ kể từ khi phát động chiến dịch tập kích tuyến hàng hải đi qua Biển Đỏ hồi tháng 10/2023. Tuy nhiên, đây là lần đầu nhóm vũ trang Yemen khai hỏa tên lửa phòng không nhằm vào tiêm kích Mỹ, động thái leo thang đáng kể trong cuộc đối đầu giữa hai bên.
Bộ Quốc phòng Mỹ và lực lượng Houthi chưa bình luận về thông tin.
Houthi sở hữu nhiều hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn và tầm trung, từng thể hiện năng lực khi bắn hạ hoặc gây hư hại nặng cho những chiến đấu cơ hiện đại như F-15SA, F-16C và Tornado IDS của liên quân do Arab Saudi dẫn đầu trong chiến dịch can thiệp quân sự vào Yemen.
Dưới thời chính quyền cựu tổng thống Joe Biden, quân đội Mỹ đã triển khai lực lượng tuần tra Biển Đỏ và eo biển Bab al Mandab, nhằm hộ tống các tàu thương mại và ngăn chặn những cuộc tấn công của Houthi.
Các quan chức giấu tên tiết lộ đang có cuộc tranh luận về chính sách ở cấp cao nhất của Lầu Năm Góc về biện pháp tốt nhất để đối phó Houthi, lực lượng mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đưa trở lại danh sách khủng bố.
Những cuộc thảo luận hiện tập trung vào câu hỏi có nên áp dụng biện pháp chống khủng bố truyền thống đối với Houthi, như liên tục tấn công những cá nhân chủ chốt, hay nên áp dụng các biện pháp mang tính phòng thủ và tiếp tục tấn công cơ sở hạ tầng, kho vũ khí của Houthi.
Thực thi biện pháp chống khủng bố sẽ là bước leo thang đáng kể và tốn kém, giữa lúc các nguồn lực quân sự đang được chuyển hướng đến biên giới phía nam của Mỹ.

Vị trí Yemen và các quốc gia trong khu vực. Đồ họa: AFP
Các lãnh đạo Lầu Năm Góc cũng tin rằng tên lửa Houthi đủ sức đánh trúng tàu chiến Mỹ và chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi khả năng này thực sự xảy ra. Điều đó có thể gây ra thương vong và thiệt hại nghiêm trọng cho lực lượng Mỹ đang tuần tra Biển Đỏ.
Các tàu chiến Mỹ đến nay vẫn bắn hạ được toàn bộ tên lửa và UAV Houthi khai hỏa nhằm vào mình, nhưng có một số trường hợp mục tiêu chỉ bị chặn vài giây trước khi lao trúng đích. Chiến dịch tuần tra Biển Đỏ cũng khiến hải quân Mỹ tiêu tốn nhiều tên lửa phòng không đắt đỏ như SM-2 và SM-3 để đối phó các cuộc tấn công gần như liên tục bằng tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và UAV của Houthi.
Vũ Hoàng (Theo Reuters, Fox News, AFP)