"Về các chiến dịch trên biển, hoạt động này diễn ra ở mức cao nhất, có lẽ là luôn có hoạt động diễn ra trong mỗi 12 giờ", Mohammed Abdelsalam, phát ngôn viên và là nhà đàm phán hàng đầu của lực lượng Houthi, nói với Al Jazeera TV hôm nay.
Lực lượng Houthi ở Yemen, được Iran hậu thuẫn, gần đây thường xuyên tập kích các tàu đi qua Biển Đỏ, tuyến hàng hải giúp vận chuyển tới 12% giá trị thương mại toàn cầu. Các vụ tấn công gia tăng từ khi xung đột ở Dải Gaza bùng nổ, do Houthi tuyên bố sẽ ủng hộ lực lượng Hamas chống lại Israel.
Bộ Quốc phòng Mỹ hôm nay lên án các vụ tấn công của Houthi trên Biển Đỏ là "chưa từng có và không thể chấp nhận được". Lầu Năm Góc cho rằng Houthi đang đe dọa dòng chảy thương mại toàn cầu.
Mỹ cùng ngày thông báo lập liên minh 10 nước để ứng phó các vụ tập kích của Houthi nhằm vào tàu hàng qua Biển Đỏ. 9 thành viên còn lại gồm Anh, Bahrain, Canada, Pháp, Italy, Hà Lan, Na Uy, Seychelles và Tây Ban Nha. Một số quốc gia sẽ tuần tra chung, số khác hỗ trợ tình báo. Anh và Italy đã thông báo sẽ điều chiến hạm tới Biển Đỏ.
Houthi tuyên bố sẽ không dừng các vụ tập kích. "Ngay cả khi Mỹ huy động thành công cả thế giới, các hoạt động quân sự của chúng tôi sẽ không dừng lại, bất kể phải hy sinh thế nào", Mohammed al-Bukhaiti, quan chức cấp cao của Houthi, viết trên X.
Theo al-Bukhaiti, Houthi sẽ chỉ dừng tay nếu "các tội ác của Israel ở Gaza dừng lại và thực phẩm, thuốc men, nhiên liệu được chuyển đến người dân tại khu vực bị bao vây này".
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói Nga không tham gia liên minh do Mỹ dẫn đầu. Iran trước đó cảnh báo lực lượng đặc nhiệm đa quốc gia Mỹ thiết lập ở Biển Đỏ sẽ phải đối mặt "những vấn đề nghiêm trọng", nhưng không nêu cụ thể Tehran sẽ đáp trả thế nào.
Hàng loạt hãng vận tải biển lớn trên thế giới đã thông báo tạm ngưng cho tàu đi qua Biển Đỏ vì lo ngại an ninh. Họ cân nhắc lộ trình khác, như đi qua mũi Hảo Vọng ở Nam Phi, để đảm bảo an toàn, dù cung đường dài hơn và tốn nhiên liệu hơn.
Như Tâm (Theo Reuters, AFP)