Khoảng 7h tối, ghế băng công cộng ở vỉa hè, vườn hoa gần đường Thanh Niên, Thụy Khuê... đã được bày kín các cốc chén. Trần Hải, một sinh viên cho hay, các ghế đá ở vườn hoa vốn thuộc tài sản công cộng, song các chủ cửa hàng vỉa hè đã nhanh tay "xí phần". Muốn ngồi ở các ghế đá này, "thượng đế" bị ép phải uống nước.
Tối hôm thứ 7 vừa rồi, sau khi ăn liên hoan, Hải và bạn gái muốn ngồi ghế đá để hưởng gió mát Hồ Tây, song tìm mỏi mắt cũng không còn ghế nào trống. Các ghế dù không có người ngồi nhưng đều bị chủ quán vỉa hè gần đó đặt một tờ giấy, quả dừa, hoặc chai bia, chiếc cốc... để khẳng định "quyền sở hữu". Thế là, mặc dù không có nhu cầu, Hải đành phải gọi nước uống. "Một cốc nước mơ muối, một cốc chanh leo và một đĩa hướng dương nhỏ cũng lên tới gần một trăm nghìn đồng", Hải bức xúc.
Muốn ngồi ở các ghế đá này, thượng đế bị ép phải uống nước. Ảnh: Tiến Dũng. |
Chị Linh, bán trà đá, trà chanh trước cửa Nhà hát Lớn tiết lộ, mỗi tối, đi bán hàng, đồ nghề của chị chỉ là một cái giỏ, trong có vài chai lọ, hơn chục cái cốc nhựa, hướng dương, kẹo lạc, chanh và bình đựng đá. Ghế ngồi của khách là những tấm xốp cắt thành hình như cái ghế vuông nhỏ được cột vào nhau.
Nếu hết ghế, khách ngồi lên chính những bệ bê tông của bồn hoa. Nước để pha trà và ghế xốp, chị Linh cất ở những bụi cây, mỗi chỗ một vài thứ. “Giá trà đá, trà nóng vẫn 3.000 đồng một cốc, trà chanh 8.000 đồng, hướng dương 15.000 đồng một đĩa. Mỗi tối mùa hè đông khách, tính ra cũng thu lãi một vài trăm nghìn, thậm chí là tiền triệu”, chị Linh kể.
Theo chị Linh, số vốn bỏ ra ban đầu không đáng là bao song lãi thu về là không nhỏ. Trong trường hợp khách không muốn mua hàng, ngồi gần chỗ bê tông sẽ "nhắc khéo" đi chỗ khác để chủ quán bán hàng. "Tuy nhiên, đây là khu vực cấm bán hàng rong, vừa bán, tôi vừa phải lo chạy lực lượng an ninh nên thu nhập không đều", chị Linh chia sẻ.
Minh Tuấn, một khách hàng tỏ ra bức xúc về cách bán hàng này của nhiều tiểu thương vỉa hè. Sau khi lượn một vòng trong vườn hoa gần Nhà hát Lớn, cậu và bạn gái tìm được chỗ ngồi nhưng vừa ngồi chưa kịp ấm chỗ, người bán trà đá đã từ đâu chạy tới hỏi: "Hai em dùng gì nhỉ"?
Tuấn giơ vội 2 cốc trà sữa với ngụ ý đã có đồ uống rồi. Người bán hàng không chịu thua: "Nếu đã có đồ uống, hai em thông cảm kiếm chỗ khác ngồi cho chị kiếm nhờ miếng ăn", kèm theo cái quắc mắc đến lạnh người. Thấy không khí căng thẳng, cô bạn gái Tuấn đành xuống nước gọi thêm hai cốc trà đá để mọi chuyện êm xuôi.
Việc những người bán hàng rong, hàng nước tận dụng tài sản công cộng như vỉa hè, ghế đá công viên, bồn cỏ để làm địa điểm bán hàng không còn là chuyện hiếm. Bằng cách này, chi phí vốn bỏ ra ít, nhưng lãi thu về vẫn cao. Các chủ quán lý giải, ghế đá vốn chẳng thuộc sở hữu của ai nên nghiễm nhiên, họ có quyền sử dụng để bán hàng. Chị Hương, bán nước dừa ở khu vực Hồ Tây cho hay, mỗi tối chỉ cần một chiếc đèn dầu và vài tờ giấy, chị có thể mở "quán" bằng cách tận dụng ngay chính những ghế đá công cộng ven hồ. Trung bình mỗi tối vào mùa thu, chị bán được khoảng 10-15 "bàn". Tính sơ sơ mỗi tối, chị thu được khoảng 500.000-1 triệu đồng.
"Mùa hè khách đông gấp hai ba lần và số tiền thu về cũng nhiều hơn hẳn. Tưởng chừng đơn giản nhưng thực chất tôi phải xí chỗ từ 18h", chị Hương kể lại,
Trao đổi với VnExpress.net, một lãnh đạo chi cục quản lý thị trường Hà Nội cho hay, bản thân ông có biết việc nhiều hàng rong tự ý chiếm hữu tài sản công cộng thành quán riêng, song ông thừa nhận rất khó quản lý. Thực chất trách nhiệm thuộc quản lý của công an phường nhưng việc xử lý các cá nhân vi phạm không đơn giản. "Bản thân những người gánh hàng rong, nay đây mai đó có cuộc sống khó khăn nên cơ quan công an phường cũng không dễ xử lý", vị lãnh đạo này cho hay.
Bách Hợp- Hà Đan