Trong nỗ lực tháo gỡ việc nghẽn lệnh chứng khoán, bên cạnh các giải pháp đã đề xuất như nâng bước giá, nâng lô, chuyển một số doanh nghiệp niêm yết sang sàn Hà Nội (HNX), Sở Giao dịch TP HCM (HoSE) đang nghiên cứu giải pháp không cho sửa, hủy lệnh giao dịch cổ phiếu.
Hiện nay, trong hai phiên mở và đóng cửa hàng ngày, mỗi phiên kéo dài 15 phút nhằm xác định giá mở và đóng cửa các cổ phiếu trên HoSE, nhà đầu tư đều không được huỷ hoặc sửa lệnh. Trên thực tế, năm 2000 khi thành lập sàn TP HCM và kéo dài đến năm 2007, nhà đầu tư cũng không được phép thực hiện huỷ, sửa lệnh giao dịch cổ phiếu cả ngày. Việc này chỉ được áp dụng từ sau năm 2007 trở đi trong phiên khớp lệnh liên tục.
Theo dữ liệu của HoSE, trong tháng 1/2020 tổng số lệnh huỷ, sửa tại sàn thành phố là 767.294 lệnh trên tổng số hơn 2,7 triệu lệnh, tương đương bình quân 45.135 lệnh huỷ, sửa trên 160.959 lệnh đặt mỗi ngày. Tính ra số lệnh huỷ, sửa chiếm hơn 28% tổng lệnh giao dịch. Số ngày giao dịch trong các tháng xê dịch từ 15 đến 23 phụ thuộc vào các ngày Lễ, Tết.
Vào tháng 6/2020, các số liệu trên tương ứng gần 2,6 triệu lệnh huỷ sửa trên tổng số gần 8,4 triệu lệnh giao dịch trong tháng, chiếm tỷ trọng 30,85%. Đến tháng 12/2020, số lệnh huỷ, sửa tăng vọt lên gần 4,4 triệu lệnh trên tổng 13,85 triệu lệnh giao dịch, chiếm tỷ trọng 31,76%.
Gần nhất là tháng 2 năm ngoái, mặc dù chỉ có 15 phiên giao dịch vẫn có hơn 3 triệu lệnh huỷ, sửa trong tổng số gần 9,1 triệu lệnh giao dịch, chiếm tỷ trọng 33,05%.
Tỷ trọng lệnh huỷ, sửa đang có xu hướng tăng lên. Nếu ngưng cho phép đặt lệnh huỷ, sửa thì thanh khoản HoSE sẽ được cải thiện 30%. Giải pháp này có thể thực hiện ngay mà không cần phải can thiệp kỹ thuật.
HoSE đánh giá giải pháp này tác động nhất định đến hành vi của nhà đầu tư. Những nhà đầu tư bình thường sẽ cân nhắc kỹ lưỡng hơn trước khi đặt lệnh mua, bán. Các loại lệnh do robot, áp dụng thuật toán sẽ khó thực hiện hơn do độ rủi ro cao. Đồng thời tình trạng chẻ lệnh, rải lệnh sẽ có khả năng giảm bớt.
Tuy nhiên, theo tổng giám đốc một công ty chứng khoán, việc ngưng lệnh huỷ, sửa có thể áp dụng về mặt lý thuyết, còn về mặt dịch vụ và trải nghiệm sẽ không thật sự thuận lợi. Ngay ở các ngân hàng, khi khách viết sai uỷ nhiệm chi, nhầm lẫn chứng từ thì vẫn có thể bỏ đi, làm lại, sửa lại.
Một nhà đầu tư cũng cho rằng, nếu áp dụng giải pháp này, lỡ đặt lệnh sai là 'chết' luôn vì không sửa được. Một người khác nói thêm: "Phải ngồi canh bảng điện tử cả ngày nếu muốn giao dịch vì không thể đoán định diễn biến thị trường trong phiên".
Một nhà đầu tư kỳ cựu đã nghỉ hưu nhận xét: "Giải pháp này sẽ mất đi sự linh động. Không phải cái gì không đủ năng lực xử lý cũng chuyển cho khách hàng".
Đại diện HoSE cho biết sẵn sàng lắng nghe và tiếp thu mọi phản hồi của nhà đầu tư và những người quan tâm đến thị trường chứng khoán về giải pháp nêu trên để có cơ sở cân nhắc liệu có áp dụng.
Về giải pháp nâng bước giá vốn được đa số nhà đầu tư ủng hộ, HoSE cho biết việc này sẽ đụng vào phần mềm lõi (core) và phải có source codes để xử lý. Hệ thống của HoSE là do Thái Lan hỗ trợ, nên họ mới có source codes. Việc mời chuyên gia Thái sang chỉnh sửa lúc này khó vì Covid-19 và không ai muốn cách ly hai tuần ở Việt Nam, hai tuần ở Thái Lan khi trở về.
Ông Lê Hải Trà, Tổng giám đốc HoSE cho biết thêm, bốn tháng là kế hoạch trước mắt của Sở để chạy thử nghiệm hệ thống giao dịch mới với tên viết tắt KRX. Thời gian dự kiến chạy thử (test) này có thể không cố định vì còn phụ thuộc vào lỗi phát sinh và xử lý các lỗi đó.
Ngày 3/3/2021, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã có văn bản hoả tốc gửi HoSE, HNX và Trung tâm Lưu ký về việc chuyển một số doanh nghiệp niêm yết trên HoSE ra sàn Hà Nội. Theo văn bản này, cổ phiếu của các công ty chuyển giao dịch nằm trong bộ chỉ số VN-Index của HoSE sẽ được đưa ra khỏi bộ chỉ số của sàn này trong thời gian giao dịch trên HNX. Tạm thời chưa xem xét chuyển giao dịch đối với các cổ phiếu trong bộ chỉ số VN30.
Cho đến nay chưa ghi nhận doanh nghiệp niêm yết nào trên HoSE xung phong chuyển sang giao dịch tại HNX.
Hải Lý