Bà Thảo, chủ một quán ăn ở TP Thủ Đức, hoàn tất thủ tục mở tài khoản chứng khoán trực tuyến cách đây hai ngày. Bà vừa nạp vào 20 triệu đồng, dự kiến hôm nay giao dịch thì đêm qua biết thông tin Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) đang tính việc nâng lô giao dịch từ 100 lên 1.000 cổ phiếu để giảm nghẽn hệ thống.
Kinh nghiệm đầu tư gần như bằng không, nhưng bằng phép tính đơn giản, bà Thảo biết chỉ mua được những cổ phiếu có thị giá dưới 20.000 đồng với số tiền ban đầu. Trong khi nhu cầu của bà là mua cổ phiếu của 4 doanh nghiệp lớn gồm Vinamilk, Thế Giới Di Động, Vingroup và Novaland.
"Nếu quy định nâng lô được áp dụng thì phải có ít nhất 78 triệu mới mua được cổ phiếu NVL, còn những mã khác đều trên trăm triệu. Đây là số tiền quá lớn với những người mới chập chững đầu tư", bà Thảo nói.
Người phụ nữ này cho rằng ý tưởng nâng lô lên 1.000 gây bất lợi cho những nhà đầu tư nhỏ như bà. Bà đang nghe ngóng thêm để quyết định đầu tư hay rút tiền lại. Nếu mua lúc này và khi nâng lô thì cổ phiếu sẽ thành lô lẻ. Lúc đó, bà không thể chủ động giao dịch trên bảng mà phải chờ đến đợt mua của công ty chứng khoán.
Quan điểm của bà Thảo lại ngược với thông tin ông Lê Hải Trà – Tổng giám đốc HoSE chia sẻ với báo chí mới đây. Theo ông Trà, nhà đầu tư nhỏ sẽ được bảo vệ tốt hơn khi nâng lô thông qua việc đầu tư vào chứng chỉ quỹ phát hành bởi các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp. Điều này gián tiếp thúc đẩy sự phát triển của ngành quản lý quỹ và gia tăng lượng nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường theo đúng mục tiêu của Chính phủ.
Lãnh đạo HoSE cho biết việc tăng lô lên 1.000 có thể giảm 40-50% số lệnh giao dịch, mở đường cho những tầm cao mới của thanh khoản thị trường. Các thị trường phát triển như Nhật Bản, Đài Loan, Singapore... cùng đều trải qua lộ trình này.
Trao đổi với VnExpress tối 2/3, Tiến sĩ Trần Xuân Nam – Chủ tịch Công ty Tư vấn Saonam cho rằng quan điểm của HoSE đang đi ngược với định hướng kiến tạo thị trường chứng khoán thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế.
Ông Nam lý giải, hầu hết người Việt đều tiết kiệm và chỉ giải ngân cho những việc quan trọng. Thói quen này dần thay đổi nhờ sự bùng nổ của thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư non trẻ, số tiền ít nhưng nhờ "tích tiểu thành đại" nên khoảng một năm nay chứng khoán đã hút rất nhiều tiền nhàn rỗi và chuyển thành vốn cho doanh nghiệp niêm yết. Cơ quan điều hành thị trường vì thế không thể xem thường sự đóng góp của nhóm nhà đầu tư này.
"Ngành chứng khoán hô hào mục tiêu tăng số lượng nhà đầu tư trên thị trường từ 3% lên 5% dân số vào năm 2025, nhưng tiếp tục nâng lô thì chẳng những người mới không vào mà còn khiến người cũ bỏ đi", ông Nam nói.
Ông Nam khẳng định phương án nâng lô "ảnh hưởng ghê gớm đến nhà đầu tư nhỏ", thậm chí bất cập hơn việc để thị trường giao dịch như hiện tại và chấp nhận nghẽn khi thanh khoản lên 15.000-18.000 tỷ đồng.
Theo chuyên gia này, hệ luỵ đầu tiên là thị trường có thể xuất hiện đợt bán tháo trước khi quyết định nâng lô có hiệu lực để tránh tình trạng chôn vốn, sở hữu cổ phiếu nhưng không giao dịch được. Điều này dẫn đến việc chứng khoán nhanh chóng hạ nhiệt, thiếu vắng nhà đầu tư nhỏ thì những "cá mập" cũng không còn nhiều cơ hội kiếm lời. Hệ luỵ dài hạn hơn là cơ quan điều hành thị trường có thể cần thời gian rất lâu để xây dựng lòng tin với nhà đầu tư trong nước và thu hút họ quay lại.
Không phủ nhận lợi ích của việc nâng lô lên 1.000 giúp giảm căng thẳng cho sàn TP HCM, nhưng ông Lê Vũ Kim Tinh – Giám đốc chi nhánh Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho rằng hành động này sẽ biến thị trường chứng khoán thành sân chơi dành riêng cho người giàu. Hiện tượng dòng tiền ồ ạt đổ vào thị trường sẽ không còn vì rổ hàng cho những nhà đầu tư như bà Thảo lựa chọn không thể phong phú như hiện tại.
"Thị trường đang hấp dẫn, nhưng nâng lô lên 1.000 thì dòng tiền sẽ chững lại ngay. Khi họ xác định rút ra để vào bất động sản, vàng... thì kéo trở lại khó vô cùng", ông Tinh dự đoán.
Ông Tinh cho biết thêm nếu phương án này được triển khai, công ty chứng khoán cũng là bên chịu thiệt vì hụt nguồn thu phí giao dịch. Việc giải quyết lô lẻ như thế nào để vừa đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, vừa đảm bảo lợi ích cho công ty chứng khoán cũng trở thành vấn đề không nhỏ. Một số công ty đang tổ chức thu lô lẻ (dưới 100 cổ phiếu) định kỳ vài lần trong năm, nhưng thường chọn lúc thị trường giảm mạnh để mua giá thấp chứ không cố định thời điểm. Việc này nhằm mục đích chính là hỗ trợ nhà đầu tư, trong khi công ty chứng khoán không tha thiết bởi lợi nhuận rất nhỏ và tốn kém nhân lực thực hiện.
Chuyên gia này đánh giá việc tạm thời chuyển một số cổ phiếu ra sàn Hà Nội, tạo bảng riêng và giao dịch với tất cả điều kiện giống như tại HoSE là phương án tối ưu trong ngắn hạn. Nếu HoSE quyết tâm nâng lô, ông đề xuất nên linh động điều chỉnh theo giá. Những cổ phiếu có thị giá càng cao thì lô càng thấp và ngược lại.
"Giả sử những mã trên 100.000 đồng thì giữ nguyên lô 100, từ 50.000-100.000 đồng thì nâng lô 200, còn dưới giá này thì lên tối đa 500. Theo cách này thì bình quân giá trị mỗi lệnh khoảng 10 triệu, hợp với phần đông nhà đầu tư", ông Tinh phân tích. Đồng thời, ông cho rằng về mặt kỹ thuật hệ thống, HoSE hoàn toàn thực hiện được bởi mỗi cổ phiếu đang có bước giá thì việc thêm "bước lô" không khó.
Phương Đông