Phát biểu tại hội nghị về phát triển bền vững, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI nhận định ESG với ba yếu tố chính gồm "Môi trường - Xã hội - Quản trị doanh nghiệp", là cốt lõi của phát triển bền vững trong chiến lược kinh doanh.
Đây được xem là bộ tiêu chí đo lường tiêu chuẩn liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng. Trên hành trình hiện thực hóa mục tiêu đó, không thể thiếu sự đồng hành của những tổ chức, đơn vị cộng đồng, góp phần liên kết doanh nghiệp với xã hội.
Xu thế giúp cân bằng xã hội
Theo khảo sát của PwC năm 2022, phần lớn người tham gia phỏng vấn cho biết họ xem "S - Xã hội" là một trong những ưu tiên hàng đầu. Yếu tố này cũng ngày càng được nhiều doanh nghiệp Việt chú trọng, hực hiện qua các mục tiêu trung hạn và dài hạn.
Họ thay những chương trình ngắn hạn, nhỏ lẻ, mang tính từ thiện, quyên góp trước đây thành dự án dài hơi. Một số chương trình thời gian lên đến hàng thập kỷ đã và đang được các doanh nghiệp toàn cầu triển khai trong thời gian qua.
Báo cáo về "Mức độ sẵn sàng thực hành ESG" tại Việt Nam năm 2022 của PwC Việt Nam cũng cho thấy 80% doanh nghiệp cam kết hành động hoặc lên kế hoạch thực hành ESG trong 2-4 năm tới. Trong đó, việc chủ động tham gia các hoạt động thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, xã hội được xem là một trong các tiêu chí quan trọng.
Số liệu khác từ báo cáo của Edelman Trust Barometer (2023) cũng cho thấy thương hiệu cam kết thực hiện hành động liên quan đến vấn đề con người, xã hội sẽ nhận gấp 3,5-7 lần sự yêu thích từ khách hàng. Điều này phần nào phản ánh sự quan tâm của khách hàng với trách nhiệm xã hội, môi trường của doanh nghiệp khi lựa chọn thương hiệu.
Hiện việc thực hành ESG được nhiều quốc gia hướng tới. Mỹ, Nhật, Hàn, châu Âu, Australia... đều tập trung thúc đẩy bộ tiêu chí này nhằm đảm bảo cân bằng xã hội. Hầu hết các hoạt động, kế hoạch xoay quanh bốn nội dung chính: Tăng trưởng kinh tế; Đảm bảo công bằng xã hội; Bảo vệ môi trường; và Tôn trọng nhân quyền.
Nhiều doanh nghiệp chọn thúc đẩy các hoạt động này thông qua sự hỗ trợ từ chính phủ hay các hiệp hội doanh nghiệp... Họ chủ động tìm kiếm các tổ chức quốc tế uy tín hoặc hướng đến các chương trình phát triển bền vững cùng cộng đồng, con người, bắt đầu từ trẻ em. Đây được xem là thế hệ tiếp nối để làm chủ tương lai, giúp xã hội lẫn doanh nghiệp phát triển bền vững trong tương lai.
Tối đa nguồn lực, lợi ích lâu dài
Đến nay, việc áp dụng thực hành ESG hiện nay, bao gồm tích hợp quyền trẻ em vào các chỉ tiêu ESG trong hoạt động kinh doanh bền vững, ngày càng được doanh nghiệp chú ý. Họ dành nhiều ngân sách và nguồn lực cho thế hệ trẻ, đặc biệt là trẻ em, thông qua các hỗ trợ về môi trường sống, giáo dục tốt hơn. Đây cũng là nhận định được ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI nêu ra trước đó.
Đơn cử có chương trình "Build A Better Future" của Masterise Group công bố vào tháng 4/2022, bao gồm ba lĩnh vực: môi trường sống - giáo dục cứu trợ nhân đạo. Để khởi động, tập đoàn chọn hợp tác chiến lược dài hạn với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), triển khai dự án "Innovation for Children - Sáng kiến thay đổi tương lai".
Mục tiêu hướng đến cải thiện môi trường sống, nâng cao chất lượng giáo dục thông qua giới thiệu và áp dụng các giải pháp công nghệ mới. Một số sáng kiến như Thư viện số toàn cầu hay Nhà vệ sinh không phát thải... đã được đơn vị hiện thực hóa cho trẻ em Việt Nam.
Với 76 năm hoạt động toàn cầu và có mặt tại Việt Nam từ năm 1975, UNICEF giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến trẻ em thông qua chuyên môn, kiến thức và khả năng làm việc với các đơn vị, tổ chức ở 190 quốc gia.
Thời gian qua, đơn vị đã hợp tác cùng chính phủ Việt Nam và các bên liên quan, tăng cường hoạt động giúp đỡ hàng triệu trẻ em chăm sóc sức khỏe tinh thần, thể chất, bao gồm cả trẻ em dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Các em còn được giúp đỡ chống bạo hành, tiếp cận giáo dục hòa nhập, hỗ trợ nhân đạo...
Ngoài Masterise, UNICEF còn là đối tác được nhiều tập đoàn quốc tế lẫn tại Việt Nam lựa chọn khi tìm kiếm đối tác đồng hành trong chiến lược phát triển bền vững như: Cle de Peau, Nokia, Kimberly Clark (Huggies), ShinhanBank, Generali, SAP, Pandora, KAO...
Đại diện UNICEF xác định để chuyển đổi bền vững, trước tiên cần chuyển đổi tư duy và nhận thức. Câu chuyện của Masterise và đơn vị đã tạo sự lan tỏa, là tín hiệu đáng mừng khi doanh nghiệp Việt bắt đầu chuyển dịch, hướng sự quan tâm của mình đến trẻ em như Generali Việt Nam, ShinhanBank, Huggies Việt Nam, Unilever...
Á Hiên