Điều ngạc nhiên là Insigne - ở tuổi 30, nhà vô địch Euro 2021, một biểu tượng của Napoli trong kỷ nguyên hiện đại - không được gia hạn hợp đồng. Khi giao kèo chỉ còn 6 tháng, và dù anh muốn ở lại, Napoli từ chối giữ biểu tượng của họ.
Trong khi đó, Toronto hạnh phúc được ký với Insigne một thỏa thuận kếch xù. Trên đất Canada, tiền đạo lệch trái này lĩnh gần 15 triệu USD mỗi năm trước thuế, tức đút túi khoảng 8 triệu đến 8,5 triệu USD sau khi trừ đi mọi phụ phí. Anh trở thành cầu thủ nhận lương cao nhất lịch sử Giải bóng đá Nhà nghề Mỹ (MLS).
Nhưng điều gây ngạc nhiên hơn là thời hạn hợp đồng. Nó kéo dài 4 năm - từ tháng 7/2022 đến tháng 7/2026, với tùy chọn gia hạn nửa năm cho đến cuối mùa MLS 2026. Lúc đó, Insigne 35 tuổi, độ tuổi mà nhiều khả năng một đội thuộc dạng mạnh ở Serie A như Napoli không thể mạo hiểm ký dài hạn với anh.
Insigne là hình mẫu cầu thủ ngấp nghé sườn dốc sự nghiệp cố tìm một hợp đồng dài hạn với mức lương cao trước khi treo giày. Nhưng xu hướng này không phải lúc nào cũng thuận lợi cho sự nghiệp của một cầu thủ, mà Harry Kane là ví dụ.
Cuối mùa 2017-2018, Kane còn hợp đồng bốn năm nữa với Tottenham. Anh vừa có mùa ghi bàn tốt nhất sự nghiệp - 30 bàn ở Ngoại hạng Anh và 41 trên mọi đấu trường, và lẽ ra đã là Vua phá lưới, nếu không vì Mohamed Salah xuất chúng với 32 bàn. Năm đó, Kane 24 tuổi. Giữa năm, Kane làm thủ quân tuyển Anh dự World Cup ở Nga - giải đấu mà anh đoạt Chiếc giày Vàng.
Vào tháng 6/2018, Kane ký hợp đồng mới với Tottenham. Hợp đồng không có điều khoản giải phóng, lương tuần khoảng 270.000 USD, giúp anh thành người nhận lương cao nhất lịch sử CLB. Nhưng mức lương không phải vấn đề, mà thời hạn là điều đáng nói. Nó dài sáu năm, chỉ hết hiệu lực vào cuối mùa 2023-2024.
Nếu Kane là một cầu thủ khác, già hơn, và không ở đỉnh cao sự nghiệp, thì quyết định này chẳng có gì đáng phải nghi ngờ. Nó sẽ là một mỏ vàng như Insigne đã vớ được trong những năm tháng cuối sự nghiệp. Sáu năm với mức lương kếch xù, quá tốt cho kế hoạch treo giày. Anh có thể bỏ túi cả chục triệu USD mỗi năm trong suốt hợp đồng này, đủ sống thoải mái cả đời.
Nhưng nó lại không phù hợp với Kane, vài năm sau khi nhìn lại. Hè 2020, Man City đến hỏi mua anh và anh cũng thích sang với họ. Nhưng Chủ tịch Daniel Levy của Tottenham khẳng định với thời hạn còn tới bốn năm, Kane không thể đi đâu hết.
Sang hè 2021, Man City vẫn muốn có Kane, và anh lại muốn ra đi, nhưng Levy tiếp tục cấm cản. Đội áo xanh đề nghị 102 triệu USD phí chuyển nhượng cho Kane, cộng 34 triệu USD phí thưởng tùy các điều khoản phụ. Dù vậy, ngần đó vẫn chẳng mảy may làm động lòng ông chủ của đội bóng thủ đô.
Kane ở lại Tottenham, như tất cả đều biết. Sau hai triều đại HLV thất bại, sự có mặt của Antonio Conte mở ra cơ hội cho đội trở lại Champions League và cạnh tranh danh hiệu. Kane đã từ chối ký hợp đồng mới đầu mùa này, nhưng có lẽ sẽ cân nhắc một giao kèo khác khi mùa giải này khép lại, bởi hai cơ hội tốt nhất sự nghiệp của anh đã trôi qua.
Nếu Kane không ký tới sáu năm vào hè 2018, đời anh đã khác. Nếu chỉ còn một hoặc hai năm hợp đồng, khi Man City ướm hỏi, tuyển thủ Anh ở tình thế thuận lợi hơn nhiều. Ký sáu năm và kiếm cả chục triệu USD ở tuổi đó là một quyết định hệ trọng, nhưng nếu "ngắn hóa" bản hợp đồng với đội bóng áo trắng, Kane có thể kiếm nhiều hơn. Đây không phải sự phán xét với quyết định trong quá khứ của Kane, mà chỉ là một ví dụ cho thấy cầu thủ luôn mong muốn được ký hợp đồng dài hạn, dù đang ở đỉnh cao hay đã bắt đầu đi xuống. Tất nhiên Kane đã không may mắn. Có thể chỉ là vấn đề thời điểm.
Một ví dụ khác, ngoài Kane, là Wilfried Zaha. Anh ký hợp đồng năm năm rưỡi với Crystal Palace vào năm 2015, ký mới năm năm nữa vào năm 2017 và một hợp đồng mới nữa dài năm năm vào năm 2018, khi mới 25 tuổi. Không bao giờ có cơ hội cho Zaha dứt áo đến một đội lớn hơn. Cũng có thể sau thất bại chóng vánh ở Man Utd, cầu thủ này hiểu anh sinh ra để dành cho Palace, không còn nhiều khao khát vươn cao. Nhưng cũng dễ thấy rằng Zaha khó có được vị thế và thu nhập như ở Palace, nếu đến một đội bóng lớn.
Chọn ký ngắn hay dài cũng phụ thuộc phần nào vào quyền lực cầu thủ trên thị trường, điều mà bóng đá chưa sánh được với bóng rổ, nhất là tại giải nhà nghề Mỹ NBA. Khi trở thành cầu thủ tự do năm 2016 từ Oklahoma City Thunder, Kevin Durant hiểu "độ VIP" của anh. Durant thuê hẳn một căn nhà chỉ để gặp gỡ các nhà đàm phán từ Golden State Warriors, San Antonio Spurs, Miami Heat, Los Angeles Clippers và Boston Celtics.
Quyền lực của Durant là rất rõ vào lúc Warriors mất Stephen Curry, Klay Thompson, Draymond Green, Andre Iguodala và tha thiết đề nghị anh gia nhập. Và anh tính đúng. Durant, sau cùng, ký với Warriors hai năm với trị giá hợp đồng 54,3 triệu USD. Hai năm tiếp theo, vào 2018, anh ký thêm một năm nữa, nhưng lần này giá trị đã lên đến 61,5 triệu USD. Một năm sau đó, anh sang Brooklyn Nets, và khi chỉ còn năm tháng nữa là tròn 33 tuổi, Durant ký bốn năm với Brooklyn giá 198 triệu USD. Anh biết lúc nào ký ngắn hạn, khi nào thì phải ký dài.
Hè tới, Kylian Mbappe sẽ thành tự do khi đáo hạn với PSG. Rất khó nhớ ngôi sao bóng đá nào ở vị thế thuận lợi như thế ở đỉnh cao sự nghiệp. Mới 23 tuổi, Mbappe đã vô địch World Cup, nâng cúp Ligue 1 bốn lần. Anh là khát khao của mọi đội bóng trên hành tinh và có thể tỏa sáng thêm năm thậm chí 10 năm nữa. Real Madrid là ứng viên sáng giá nhất - đội đang hy vọng được ký với anh dài hạn.
Nhưng liệu Mbappe có thể kiếm được một hợp đồng dài hạn kếch xù, và anh có nên làm như thế? Như tờ The Athletic đặt giả thiết, có thể tiền đạo người Pháp sẽ ký một hợp đồng tối đa ba năm, đáo hạn vào mùa 2024-2025, sau đó tính tiếp sẽ tốt hơn một thỏa thuận dài hơi, để tránh đi vào vết xe đổ của Harry Kane? Câu hỏi tương tự với sự nghiệp của Erling Haaland, tiền đạo mới 21 tuổi và có sức hấp dẫn không hề kém chân sút người Pháp lúc này?
Rất khó cho họ kiếm lợi kiểu Durant trong môn bóng rổ, khi bản thân các CLB bóng đá không muốn điều đó. Tottenham, Real Madrid hay bất cứ đội nào khác không thể mạo hiểm ném ra cả đống tiền cho chỉ ba năm hợp đồng, với cầu thủ mà có thể thay đổi cấu trúc cả CLB, trong khi vẫn phải tính đến khấu hao.
Quá mạo hiểm khi họ ra đi. Hãy nhìn cách Barca mất Neymar. Tài chính các đội trong giai đoạn Covid-19 cũng không lý tưởng cho một ván bài ngắn với giá cao. Vì thế, cả Mbappe lẫn Haaland đều sẽ được hướng tới một thỏa thuận trung hoặc dài hạn, tối thiểu bốn năm, nếu tìm bến đỗ mới cho bản thân.
Đây là giai đoạn mà bóng đá cũng như bất cứ lĩnh vực nào khác của đời sống đầy những bất ổn. Sự nghiệp cầu thủ cũng bấp bênh với nguy cơ chấn thương cao hơn, phong độ dễ sa sút hơn... Vì thế, bất cứ ngôi sao nào cũng muốn có một cam kết dài hạn để xây dựng cuộc sống của họ, cả trong lẫn ngoài sân cỏ.
Đỗ Hiếu (theo The Athletic)