Những ngày cuối năm, các cửa hàng trong trung tâm thương mại gần khu phố mua sắm Myeong-dong (Seoul) tấp nập khách vào mua quà tặng. Giống như Việt Nam, Hàn Quốc cũng đón chào năm mới Âm lịch. Dịp giáp Tết, người dân có thói quen biếu nhau những món đồ thiết thực, có thể sử dụng được với giá trị cao. Đó có thể là những hộp táo, lê (12-16 quả), hồng khô (30 quả) có giá trên 100.000 won (hơn 2 triệu đồng) hay hộp cá khô quý hiếm lên tới 400.000 won (8 triệu đồng).
Nhưng món quà phổ biến và được nhiều người ưa chuộng hơn cả vẫn là nhân sâm hấp và sấy khô hay còn gọi là hồng sâm. Bởi vậy, nơi hút khách nhất nhì trong siêu thị đông đúc vẫn là quầy hàng của thương hiệu sâm đã có 120 năm tuổi Cheong-Kwan-Jang, còn được biết đến với tên gọi là "Sâm chính phủ" vì được chính phủ Hàn Quốc bảo hộ. Đây cũng là tặng phẩm dành cho Giáo Hoàng John Paul II, Nữ Hoàng Elizabeth II, Tổng thống Pháp Francois Mitterrand, Giáo Hoàng Pope Francis...
Tại xứ Hàn, người dân có tục lệ trao nhau nhân sâm vào dịp năm mới và lễ tạ ơn Chuseok với ngụ ý cầu chúc sức khỏe tốt lành. Người dân sẵn sàng chi hàng trăm nghìn won (vài triệu đồng) để mua. Thậm chí có những sản phẩm quý như Thiên sâm được bán với giá lên tới một triệu won (20 triệu đồng). Nếu không có nhiều tiền, người mua sẽ lựa chọn sản phẩm bình dân hơn như cao, nước uống, kẹo làm từ hồng sâm...
Theo tiến sĩ Yon Lee (Viện nghiên cứu TCG ở lĩnh vực nhân sâm Hàn Quốc), nhân sâm đạt chất lượng tốt nhất khi được nuôi trồng trong vòng 6 năm, trải qua những thay đổi về nhiệt độ, thời tiết bốn mùa để có thể hấp thu đủ chất dinh dưỡng.
Dựa vào các yếu tố như hình dáng, trọng lượng, nhân sâm được chia thành Thiên sâm, Địa sâm và Lương sâm với các mức giá khác nhau. Trong đó, Thiên sâm là loại quý nhất, có hình dáng hoàn chỉnh với hai chân đối xứng và một đầu. Tỷ lệ của chúng chỉ chiếm vài phần trăm trong tổng sản phẩm thu hoạch được nên mức giá rất cao.
Nếu như người Việt thường dùng nhân sâm tươi trồng lâu năm để ngâm rượu với mục đích chữa bệnh ,người Hàn có cách sử dụng hoàn toàn khác. Rất ít người sử dụng sâm tươi, 90% người dân sử dụng hồng sâm.
Người dân Hàn ăn sâm và các chế phẩm ngay cả khi không ốm đau. Họ quan niệm "phòng bệnh hơn chữa bệnh". Sâm nước, cao hồng sâm được cho vào đồ ăn; sâm thái lát cho vào kem; người cần bổ sung năng lượng, sinh viên trước mùa thi sẽ uống nước hoặc ăn kẹo sâm.
Thêm vào đó, nếu như sâm tươi không phù hợp với một số người thì hồng sâm lại an toàn nhờ có quá trình xử lý cẩn thận. Mọi người (trẻ em từ 3 tuổi trở lên) có thể hưởng lợi ích từ loại siêu thực phẩm có nguồn gốc thiên nhiên này.
Sau khi được hái thu hoạch và rửa sạch hai lần dưới sóng siêu âm, nhân sâm tươi sẽ được hấp lần đầu tiên trong vòng một ngày tại nhà máy, sau đó phơi khô dưới nắng trong vài tuần để trở thành hồng sâm.
Qua công đoạn trên, hồng sâm mới có màu đỏ thẫm như thường thấy. Sau khi sấy khô, chúng sẽ trải qua một quá trình "làm sạch râu" và sàng lọc cẩn thận. Rễ sâm sau khi kiểm tra hình dạng bên ngoài sẽ được thẩm định chất lượng bên trong bằng cách chiếu sáng xuyên thấu trong phòng tối để chọn ra sản phẩm tốt nhất.
Những năm 1940, ở Hàn Quốc có nhiều công ty tư nhân cung cấp sâm ít tuổi, chất lượng thấp làm mất niềm tin của người tiêu dùng. Do đó, chính phủ đã lựa chọn ra những thương hiệu uy tín để bảo hộ. Người dân dựa vào công bố này và sự lâu đời của các hãng để mua được món quà ưng ý.
Hiện tại, sâm Hàn Quốc vẫn được đánh giá có chất lượng hàng đầu thế giới dù nhiều nước đã tiến hành trồng, thậm chí lấy giống từ Hàn Quốc. Một phần do khí hậu, môi trường, chất lượng đất ở Trung Quốc, Mỹ, Nhật... không hoàn toàn giống Hàn Quốc. Ngoài ra, đất nước châu Á này còn sở hữu kinh nghiệm lâu năm và nhà máy chế biến quy mô bậc nhất thế giới.
An Yên