- Nhiều đàn em, học trò đã có danh hiệu, vì sao bà không tiếp tục nộp hồ sơ xét NSƯT?
- Đã nhiều năm nay, tôi vẫn quan niệm khán giả mới là người tạo nên cơ nghiệp cho mình. Còn về danh hiệu, tôi thấy được thì nhận, không được thì thôi. Cách đây hơn 20 năm, tôi từng làm hồ sơ xin NSƯT nhưng bị loại. Từ đó đến nay, dù nhiều đơn vị nói tôi lên làm hồ sơ lại, tôi không đoái hoài nữa. Vì sao tôi phải xin, trong khi hàng chục năm qua, tôi vẫn có thể miệt mài đi diễn để kiếm tiền nuôi con. Thỉnh thoảng, nhiều bầu show từ nước ngoài vẫn mời tôi đi hát. Nhiều đồng nghiệp nói sao tôi không đấu tranh để được xét, nhưng tôi không bận tâm chuyện đó. Tôi nghĩ chính vì không sân si danh hiệu, tôi được khán giả thương đến giờ.
- Bà nghĩ gì về câu chuyện Minh Vương, Thanh Tuấn trượt NSND gây xôn xao những ngày qua?
- Tôi hiểu tâm lý Minh Vương, một phần anh cũng muốn quá trình đóng góp cho cải lương của anh được ghi nhận. Nhưng tôi nghĩ đời nghệ sĩ quan trọng nhất là vị trí trong lòng khán giả. Tôi thấy không nhất thiết phải bon chen tìm kiếm danh hiệu làm gì. Vì biết ơn công chúng, trên sân khấu, tôi không bao giờ nhận diễn hài nhảm, kịch bản dung tục. Già rồi, hùm chết để da, người ta chết để tiếng mà.
- Hơn 50 năm ca hát, bà cảm nhận tình cảm khán giả dành cho mình ra sao?
- Sắp tới, tôi làm một liveshow có tên Nếu có yêu tôi. Tôi muốn xem vị trí của mình trong lòng khán giả đang ở đâu. Công chúng dành tình cảm cho mình là một chuyện, nhưng để mua vé là chuyện khác. Dù gì tôi cũng đã lớn tuổi, họ sợ tôi ca không nổi, diễn đuối sức. Ban đầu, tôi nghĩ mình sẽ bán vé chật vật lắm. Không ngờ, khán giả còn thương tôi quá. Đêm nhạc mới chỉ in poster, băng rôn thôi, chưa kịp quảng bá đã bán được hơn phân nửa số vé. Có khán giả, chỉ mới nghe tin, đã hỏi tôi liveshow này diễn những trích đoạn nào. Tôi kể xong, họ liền nằng nặc đòi để dành hai hàng ghế VIP.
Tôi đang lo người ta hỏi nhiều quá mà không có vé bán cho họ. Nếu khán giả yêu cầu, tôi sẽ bàn với NSND Trần Ngọc Giàu - giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang, nơi tổ chức đêm nhạc - làm thêm một suất nữa.
* Hồng Nga khoe giọng hát vọng cổ ở sự kiện ngày 18/7
- Bà dồn tâm huyết cho liveshow sắp tới như thế nào?
- Thời gian đi hát, tôi may mắn tích góp được một số tiền. Tôi nghĩ đến việc làm liveshow để lấy tiền bán vé giúp đỡ một số nghệ sĩ lão thành. Lần diễn này, tôi mong tiền bán vé sau khi trừ chi phí sẽ dôi ra còn khoảng 60 triệu đồng để làm thiện nguyện. Trước đây, thi thoảng khi đi hát từ Mỹ về, tôi trích cát-xê tặng nghệ sĩ mỗi người một, hai triệu đồng. Họ đều là những tên tuổi gạo cội như Nam Hùng, Thanh Nguyệt... song giờ đây chẳng mấy ai nhớ tới nữa. Ngày xưa, họ cũng có một thời oanh liệt, thậm chí còn dữ dội hơn tôi nhiều. Giờ, nhìn nhiều nghệ sĩ nằm cô quạnh trong viện dưỡng lão, tôi chịu không nổi.
- Các nghệ sĩ đàn em, đàn cháu ủng hộ bà làm đêm nhạc ra sao?
- Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng đều là những đồng nghiệp thân thiết, họ rất nhiệt tình khi tôi ngỏ ý làm liveshow. Tôi nói: "Con ơi, má muốn làm liveshow để có tiền giúp vài nghệ sĩ nghèo". Họ nhận lời không do dự: "Má làm đi, để tụi con giúp". Hoài Linh và tôi sẽ vào vai vợ chồng trong trích đoạn Nửa đời hương phấn. Soạn giả Hoàng Song Việt, dù không góp mặt trong đêm nhạc, vẫn soạn vài câu vọng cổ để tôi hát cùng Đàm Vĩnh Hưng trong nhạc phẩm Đèn khuya (Lam Phương). Tôi biết ơn những tấm chân tình đó.
- Bà lo ngại ra sao về giọng hát khi phải biểu diễn liên tục ba trích đoạn?
- Giọng tôi vẫn "ngon" như thường. Ca là chuyện nhỏ, quan trọng là diễn xuất. Ở tuổi này, làn hơi tôi có yếu đi một chút, khán giả vẫn quý vì dù sao họ đã theo chân tôi mấy chục năm qua.
Tôi vẫn chạy show trong lẫn ngoài nước đều đều. Tôi vừa trở về sau chuyến lưu diễn hàng chục nơi ở Mỹ, dạy từ 5h sáng lên máy bay di chuyển từ bang này sang bang kia. Tôi hát live chứ chưa bao giờ nhép. Tôi quan niệm, hát nhép mãi sẽ quen hơi, sau đó có muốn hát thật cũng không nổi, diễn xuất theo đó cũng trở nên vô hồn.
- Sức khỏe của bà dạo này ra sao?
- Tôi vẫn còn đau cột sống sau lần bị tai nạn ôtô ở Mỹ hồi đầu năm 2017. Giờ, sáng nào tôi cũng phải đi bộ để giảm đau nhức. Tôi cố gắng ăn uống, sinh hoạt điều độ để chứng mỡ trong máu, cao huyết áp giảm đi. Cứ ba tháng, tôi đi kiểm tra sức khỏe một lần.
- Bà còn tâm nguyện gì dành cho sân khấu?
- Ước muốn gần đây nhất của tôi là một chuyến lưu diễn về các tỉnh miền Tây. Tôi mới ngỏ ý với Ngọc Giàu và Minh Vương. Cứ một tỉnh tôi sẽ diễn hai chỗ. Tôi biết nhiều bà con ở tỉnh lẻ thèm nghe cải lương lắm. Tôi sẽ diễn lại những trích đoạn ghi dấu một thời của mình. Vài ba năm nữa, nếu còn sức, tôi lại làm một liveshow thiện nguyện khác.
Trong cuộc sống, tôi không còn vướng bận gì nhiều. Con cái giờ đã trưởng thành nên tôi không còn nặng gánh chồng con. Ba đứa con tôi ở Thụy Sĩ, Áo đều có gia đình, sống ổn định. Hai đứa còn lại ở Việt Nam, đứa nhỏ nhất hơn 40 tuổi. Nhiều người sợ tôi sống một mình về già sẽ cô quạnh, nhưng tôi thấy khỏe lắm. Lúc buồn thì bật tivi lên xem phim, game show, chiều chiều lại cùng vài người bạn già gọi nhau đi ăn.
Hồng Nga sinh năm 1945, nổi tiếng với nhiều vai đào độc, đào lẵng, đào mùi. Thuở nhỏ, có năng khiếu ca hát, bà được nhạc sĩ Tám Đen ở Cầu Dừa, quận 4 nhận làm con nuôi và dạy vọng cổ. Bà đi hát lần đầu ở gánh cải lương Hằng Xuân - An Phước của bà Bầu Sáu Đặng, lúc này bà lấy nghệ danh là Kim Nga. Sau đó, bà gia nhập đoàn của danh ca Út Trà Ôn và đổi tên thành Hồng Nga. Bà nổi tiếng với các vở tuồng Lưới trời, Mắt em là bể oan cừu (soạn giả Vân An), Tần Thủy Hoàng, Phút sau cùng của Điền Long, Gã câm và người đẹp (soạn giả Hoài Nhân)... Sau năm 1975, bà gây chú ý với vai mẹ chồng trong vở Duyên kiếp. Liveshow Nếu có yêu tôi của Hồng Nga sẽ diễn vào tối 12/8 tại Nhà hát Trần Hữu Trang, quận 1, TP HCM. Đêm diễn gồm ba trích đoạn Hồng Nga đóng cùng các nghệ sĩ, gồm Người mẹ thời đại (Kim Tử Long, Kiều Mai Lý, Hữu Nghĩa...), Duyên kiếp (Thoại Mỹ, Minh Trường, Nhã Thy), Nửa đời hương phấn (Hoài Linh, Hữu Quốc, Kim Ngân, Hồ Ngọc Trinh...). |
Mai Nhật thực hiện