Show Kiếp cầm ca là sự trở lại của Hồng Nga sau bốn năm xa sân khấu. Sát giờ diễn, bà hồi hộp khi thấy gần 200 khán giả ngồi kín ghế phòng trà. Bước ra chào, nghệ sĩ thoáng lúng túng khi những tràng pháo tay vang lên. Sau một hồi, bà xin lỗi vì đã lâu chưa có lại cảm giác đứng trên sàn diễn. Nghệ sĩ nói: "Thời dịch, tôi chỉ ở nhà tập hát, buồn quay quắt vì nhớ nghề, nhớ đồng nghiệp và người mộ điệu".
Hồng Nga chọn tiết mục Kiếp cầm ca (Huỳnh Anh) - nhạc phẩm chủ đề - để mở màn. Bản tân cổ là nỗi lòng của những đào, kép mang niềm vui đến cho công chúng, giữ lại riêng mình nỗi cô độc: "Đêm đêm đem lời ca tiếng thơ/ Đời ca hát cho người mua vui/ Nhưng khi cánh nhung khép im lìm. Ánh đèn lặng tắt, gởi ai nỗi niềm". Do nghệ sĩ đã lớn tuổi, thỉnh thoảng quên lời, đạo diễn Gia Bảo xin phép khán giả đứng cạnh để "nhắc tuồng" cho bà.
Được hỗ trợ, Hồng Nga sung sức hơn. Bà chọn cách hát live toàn bộ tiết mục để chứng tỏ phong độ ca hát. Ở tuổi 77, nghệ sĩ vẫn giữ được âm sắc thổ pha kim - vốn làm nên thương hiệu giọng hát của bà, không có dấu hiệu hụt hơi. Khi lên cao, Hồng Nga khoe làn hơi dài với kỹ thuật luyến láy, bỏ nhỏ. Kết thúc mỗi đoạn hát, được khán giả cổ vũ, bà đặt tay lên ngực, cúi chào thay lời cảm ơn.
Nghệ sĩ cho biết mỗi ngày bà dành một tiếng tập tuồng để "tránh bị tù hơi". Không có bạn diễn, bà thay phiên đóng các phân đoạn, từ đào hài đến đào lẳng, đào độc. Hồng Nga nói: "Càng già, tôi càng thấy mình ca 'mùi' hơn, có lẽ vì kỹ thuật ca diễn đã ăn sâu vào máu thịt".
Cùng các nghệ sĩ khách mời, Hồng Nga níu chân khán giả suốt ba giờ. Bà cùng đạo diễn Gia Bảo chọn ra những vai kinh điển trong sự nghiệp để tái hiện một đời làm nghề, thể hiện khả năng diễn đa dạng. Với vở Ánh sáng phù du (soạn giả Hữu Lộc, Kha Tuấn), nghệ sĩ gửi gắm thông điệp lên án nạn bạo hành trẻ em. Hồng Nga hóa thân thành Sáu "dao lam" - người phụ nữ rắp tâm bán con nuôi để lấy tám cây vàng trả nợ. Thập niên 1990, vở tuồng từng giúp Hồng Nga vang danh khi đóng cùng Vũ Linh, Ngọc Huyền. Vai bà Sáu cũng ghi dấu như một trong những nhân vật phản diện đáng nhớ của sân khấu miền Nam.
Bà thêm thắt những câu thoại để tung tẩy với nhân vật, góp phần làm dịu bầu không khí căng thẳng của tác phẩm. Nghệ sĩ tung hứng ăn ý cùng các hậu bối như Tú Sương (vai Lan), Quốc Đại (vai Hạnh), Hữu Quốc (ông Khương)... Đóng nhiều dạng vai, Hồng Nga ghi dấu nhất với các nhân vật phản diện. Bà cho biết, có lần sau khi truyền hình chiếu vở Duyên kiếp, nhiều khán giả ra đường gặp, trách bà "sao ác thế". Bà đành phân trần đó chỉ là diễn xuất thôi, còn "ngoài đời hiền lắm à".
Với cải lương Tấm Cám, Hồng Nga tạo tiếng cười khi đóng vai mẹ Cám. Nghệ sĩ cùng Võ Minh Lâm, Bình Tinh, Gia Bảo, Hồng Tơ... tái hiện cảnh hoàng tử thử hài tìm vợ. Dù ít thoại, Hồng Nga ghi điểm với lối diễn ngẫu hứng, hoạt ngôn. Đến Nửa đời hương phấn (Hà Triều - Hoa Phượng), nghệ sĩ diễn cảnh bi với vai bà Sáu trong trích đoạn gặp lại con gái - cô The (Thanh Hằng) trong chùa. Dù chỉ ngồi một chỗ, Hồng Nga khiến người xem cảm nhận nỗi đau giằng xé của người mẹ khi hay biết về chuyện tình bi kịch của con gái.
Ở phần giao lưu, qua lời dẫn dắt của Gia Bảo, Hồng Nga cùng khán giả ôn ký ức chặng đầu làm nghề. Bà vào nghiệp xướng ca khi còn là cô bé Đinh Thị Nga chuyên gánh nước thuê ở quận 4. Duyên số đưa đẩy bà gặp nhạc sĩ Tám Đen ở Cầu Dừa. Ông nhận bà làm con nuôi, dạy ca đủ các bài ba Nam, sáu Bắc, vọng cổ...
Thời gian đầu đi hát của Hồng Nga là chuỗi ngày nhiều tủi hổ. Bà từng chịu bất công vì dáng thấp nhưng nặng 60 kg, gương mặt tròn. Bà nói: "Khi đó, tôi được hát đào chánh nhưng lãnh lương rất 'bèo'. Nhiều lúc, tôi tủi thân nhìn các cô đào khác xài phấn xịn". Đem nỗi niềm tâm sự với nhạc sĩ Tám Đen, bà được khuyên: "Không đẹp không có nghĩa là dở. Ra sân khấu, con hãy nhìn vào một khuôn mặt nhân hậu nhất và diễn vì họ, tâm sự với họ hết lòng mình, đừng để ý xung quanh".
Vài năm sau, bà đầu quân cho đoàn hát Thống Nhất của nghệ sĩ Út Trà Ôn. Tận dụng lợi thế diễn xuất, bà chuyển sang đóng đào mụ. Lên sân khấu, bà hóa thân người mẹ trong tuồng Yên Ly Sơn, đóng chung Út Trà Ôn - vai người con. Vở diễn thành công rực rỡ, sau đó tên tuổi Hồng Nga được gắn với loạt vai mẹ, bà. Từ bà Hai Hương trong Đời cô Lựu, vợ ông Cò quận 9 trong Tuyệt tình ca đến bà Tư Hậu trong Tiếng hò sông Hậu, Hồng Nga khiến khán giả nhiều thế hệ thổn thức. Một giai đoạn, bà chuyên làm mẹ trên sân khấu của các nghệ sĩ cùng trang lứa như Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Thanh Sang, hay sau này là Vũ Linh, Tài Linh, Thoại Mỹ.
Cuối đêm nhạc, Hồng Nga hạnh phúc khi gần 12h khuya, khán giả vẫn ngồi lại. Đạo diễn Gia Bảo cho biết một số khán giả ở Hà Nội bay vào, từ Kiên Giang đón xe lên, chỉ để xem Hồng Nga diễn rồi trở về trong đêm. Khi show hoãn vì dịch bệnh bùng phát hơn nửa năm trước, đa số người hâm mộ vẫn giữ vé, chờ ngày bà tái xuất. Hồng Nga nói: "Đời đi hát chỉ cần có thể, chết cũng mãn nguyện".
Mai Nhật