5 ngày trước, sau khi tiêm khoảng một ml filler, bệnh nhân cay mắt, khó chịu nên được tiêm thuốc làm tan chất này. Triệu chứng khó chịu không cải thiện, bệnh nhân được chuyển cấp cứu phản vệ thuốc tê, khám mắt tại bệnh viện ở Đồng Nai, sau đó đến Bệnh viện Trưng Vương (TP HCM) trong tình trạng tím đen từ vùng trán lan xuống toàn bộ hai bên mũi.
Bác sĩ Đinh Phương Đông, Phó Khoa Bỏng và Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương, ngày 1/6, cho biết bệnh nhân bị hoại tử nặng vùng trán, chân mày và mũi, mất hết da vùng tháp mũi do tắc mạch máu khi tiêm filler. Các y bác sĩ đang chăm sóc vết thương để rụng mô hoại tử; điều trị kháng sinh, kháng viêm để giảm nhiễm trùng lan tỏa.
Dự kiến sau hơn 10 ngày, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng để ghép da hoặc chuyển vạt che phủ khuyết da vùng mũi. "May mắn filler không đi vào các động mạch võng mạc trung tâm nên bệnh nhân không mù mắt, nhưng vẫn có nguy cơ bị biến dạng, co rút mũi lâu dài", bác sĩ Đông chia sẻ.
Bệnh viện Trưng Vương thường xuyên tiếp nhận những bệnh nhân tai biến thẩm mỹ sau tiêm filler mặt, mông, trong đó có nhiều trường hợp mù mắt vĩnh viễn. Trong tháng 5, nơi này điều trị nội trú ba trường hợp tai biến sau tiêm filler mông, một ca tiêm vùng mặt và nhiều ca khám ngoại trú.
Filler được sử dụng trong dịch vụ thẩm mỹ ngày càng nhiều, chiếm ưu thế so với các phương pháp làm đẹp khác nhờ kỹ thuật khá đơn giản, ít đau, hiệu quả tức thì và kéo dài, không phải trải qua phẫu thuật. Tuy nhiên, filler tiềm ẩn nhiều nguy cơ, để lại nhiều hậu quả nặng nề cho sức khỏe, tổn thương tàn phế vĩnh viễn một số chức năng cơ thể và có thể tử vong nếu người thực hiện kỹ thuật tiêm không tuân thủ nguyên tắc chuyên môn hoặc chưa qua đào tạo. Kỹ thuật này đòi hỏi cần được thực hiện bởi các bác sĩ đào tạo bài bản tại cơ sở thẩm mỹ có trang thiết bị y tế đảm bảo vô trùng.
Lê Phương