Bác sĩ Đặng Quý Đức, Phó khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết bệnh nhân ngụ quận Bình Tân được chuyến đến cấp cứu đêm 24/4 trong tình trạng nguy kịch, khó thở, oxy máu thấp, huyết áp tụt. Bệnh nhân choáng tim, trái tim hầu như không co bóp, các bác sĩ phải can thiệp bằng kỹ thuật ECMO (phương pháp oxy hóa qua màng ngoài cơ thể) ngay trong đêm.
Theo bác sĩ Đức, ngoài choáng tim, tổn thương cơ tim khả năng do tiêm filler (chất làm đầy) Alisa có lidocaine, bệnh nhân còn bị tổn thương gan, tổn thương thận cấp phải chạy thận nhân tạo hỗ trợ. Đến ngày thứ 8, bệnh nhân ổn định sức khỏe, cai ECMO, ngưng chạy thận, chức năng gan, thận và tim gần như hồi phục hoàn toàn.
Bác sĩ Trần Hữu Chinh, Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy, nhận định đây là trường hợp tai biến thẩm mỹ rất nặng. Trước đây, các biến chứng về thẩm mỹ đã xảy ra rất nhiều và hầu hết ca biến chứng nặng đều tử vong. "Đây là một trong những trường hợp hiếm hoi được cứu sống sau khi gặp biến chứng nặng, chúng tôi rất hạnh phúc vì đã cùng nhau nỗ lực rất nhiều để đưa bệnh nhân trở về với gia đình, cuộc sống", bác sĩ Chinh nói.
Hồi phục xuất viện ngày 6/5, bệnh nhân cho biết qua quảng cáo trên mạng xã hội, chị đến một cơ sở thẩm mỹ để tiêm ba lọ filler Alisa (dung tích 50 ml/lọ) vào vùng ngực và mặt, ngày 23/4. Sau tiêm, chị cảm thấy mệt. Hôm sau chị mệt hơn, sốt, khó thở hơn, đến Bệnh viện Quận Bình Tân khám và được chuyển sang Chợ Rẫy cấp cứu.
"Lúc vào viện, tôi nghĩ rằng mình sẽ không qua khỏi. Xin cảm ơn các bác sĩ đã giành lại sự sống cho tôi", bệnh nhân nói và mong mọi người không nên đến những cơ sở làm đẹp không đảm bảo an toàn.
Thanh tra Sở Y tế TP HCM cùng cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở làm đẹp đã tiêm filler cho bệnh nhân này, tại đường Hậu Giang, quận 6, ngày 27/4. Tầng trệt của nơi này là cơ sở làm nail (làm đẹp móng tay), tầng một có một phòng bố trí hai giường thực hiện dịch vụ thẩm mỹ. Thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở chưa xuất trình các giấy tờ pháp lý như giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thông báo đủ điều kiện hoạt động dịch vụ thẩm mỹ. Lực lượng chức năng niêm phong thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, đồng thời yêu cầu cơ sở ngưng hoạt động.
Filler được sử dụng trong dịch vụ thẩm mỹ ngày càng nhiều, chiếm ưu thế so với các phương pháp làm đẹp khác nhờ kỹ thuật khá đơn giản, ít đau, hiệu quả tức thì và kéo dài, không phải trải qua phẫu thuật. Tuy nhiên, filler tiềm ẩn nhiều nguy cơ, để lại nhiều hậu quả nặng nề cho sức khỏe, tổn thương tàn phế vĩnh viễn một số chức năng cơ thể và có thể tử vong nếu người thực hiện kỹ thuật tiêm không tuân thủ nguyên tắc chuyên môn hoặc chưa qua đào tạo.
Lê Phương