"Tòa thấy không đủ cơ sở để tin rằng các bạn sẽ không tiếp tục thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Vì vậy, tất cả đơn xin bảo lãnh tại ngoại của 32 bị cáo đều bị từ chối", chánh án Victor So thuộc tòa án Tây Cửu Long hôm nay cho hay, kết thúc phiên xét xử kéo dài 4 ngày.
15 người được tại ngoại, gồm các cựu nghị sĩ Jeremy Tam Man-Ho, Helena Wong Pik-wan và ủy viên hội đồng quận Kalvin Ho Kai-ming, phải nộp một triệu đôla Hong Kong (129.000 USD) tiền bảo lãnh và phải tuân thủ các điều kiện nghiêm ngặt, gồm cấm bầu cử phổ thông.
Tuy nhiên, công tố viên lập tức kháng nghị quyết định tại ngoại, do đó 15 bị cáo cũng phải trở lại nhà giam. Họ được phép đưa sự việc lên Tòa án Tối cao của thành phố trong 48 giờ tới.
Các nhà hoạt động trên bị truy tố với cáo buộc "âm mưu lật đổ" theo luật an ninh quốc gia được Bắc Kinh ban hành tháng 6 năm ngoái. Họ đại diện cho nhiều phe đối lập ở Hong Kong, từ các nghị sĩ dân chủ kỳ cựu đến các học giả, luật sư, người làm công tác xã hội và các nhà hoạt động thanh niên.
Những người bị truy tố gồm nhà hoạt động Sam Cheung, 27 tuổi, từng tham gia cuộc tranh cử sơ bộ do đảng Dân chủ tổ chức tháng 7 năm ngoái. Đây là một phần trong chiến lược "35 cộng" nhằm tối đa hóa cơ hội của đảng với mục tiêu giành quyền kiểm soát cơ quan lập pháp Hong Kong gồm 70 thành viên.
Đảng Dân chủ tổ chức các cuộc tranh cử sơ bộ tại 5 khu vực bầu cử để xác định ai sẽ tranh cử trong cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp (Legco) vào tháng 9/2020. Cuộc bầu cử sau đó đã bị hoãn do đại dịch Covid-19.
Chiến lược "35 cộng", nếu thành công, sẽ cho phép đảng thành lập một khối hùng mạnh ở Legco để chặn ngân sách, các dự luật và làm tê liệt chính quyền một cách hiệu quả. Cảnh sát nói rằng chiến lược này là hành động lật đổ theo luật an ninh quốc gia được ban hành chỉ nửa tháng trước khi bầu cử sơ bộ diễn ra.
Luật an ninh Hong Kong hình sự hóa 4 loại tội phạm an ninh quốc gia gồm ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với nước ngoài hoặc các phần tử bên ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh. Người Hong Kong vi phạm luật có thể bị kết án chung thân, quyền tố tụng các "trường hợp nghiêm trọng" thuộc về chính quyền trung ương.
Huyền Lê (Theo AFP, SCMP)