Cụ bà Chan Tak-ching, 90 tuổi, cho biết cơ quan Vệ sinh Môi trường và Thực phẩm Hong Kong (FEHD) đã thông báo sau phiên tòa hôm 29/3 rằng bà có thể lấy lại xe đẩy bán hàng rong vào hôm nay. Bà Chan nói thêm hai thành viên cấp cao của FEHD cũng xin lỗi bà về sự việc.
"Họ đến gặp tôi và nói rằng đồng nghiệp của mình đã xử lý không thỏa đáng và đáng lẽ họ nên làm tốt hơn", cụ bà nói.
Tuy nhiên, FEHD ra tuyên bố rằng cơ quan này "không xin lỗi bất cứ ai về sự việc". Phát ngôn viên của FEHD cũng nói rằng từ khi xử lý người trông hộ xe hàng rong của bà Chan cho tới khi trả lại chiếc xe cho bà, họ đều hành động dựa trên bằng chứng và các điều luật liên quan.

Cụ bà Chan Tak-ching (giữa) rời phiên tòa ở Hong Kong hôm 29/3. Ảnh: SCMP
Bà Chan là người bán hàng rong có giấy phép ở Hong Kong. Chiếc xe đẩy của bà Chan bị tịch thu hôm 6/3 sau khi bà giao lại xe cho Zhuang Jianbing, 29 tuổi, trông hộ để đi vệ sinh. Khi giới chức tới kiểm tra, họ phát hiện Zhuang không có giấy phép nên đã tịch thu chiếc xe, bất chấp bà Chan liên tục van xin.
Cuộc giằng co giữa bà Chan với nhóm thực thi pháp luật khi ấy khiến hàng chục sĩ quan cảnh sát khu Cheung Sha Wan phải tham gia xử lý, trong khi hàng trăm người dân xúm lại theo dõi. Cụ Chan ngã quỵ xuống đất và khóc lóc van xin, nói rằng đã dựa vào chiếc xe này kiếm sống hàng thập kỷ.
Dù tòa án Hong Kong đồng ý trả lại xe hàng cho bà Chan, Zhuang vẫn bị phạt 2.600 đôla Hong Kong (hơn 330 USD) vì bán hàng rong không giấy phép, gây cản trở nơi công cộng. Zhuang nói rằng anh nhanh chóng thừa nhận những tội danh đó để tránh ảnh hưởng tới công việc của mình và giúp bà Chan nhận lại đồ bị tịch thu nhanh chóng.
Cụ bà Chan Tak-ching tranh cãi với hàng chục nhân viên thực thi pháp luật ở khu Cheung Sha Wan, Hong Kong, sau khi bị tịch thu xe đẩy hôm 6/3. Video: Twitter/NatalieWong601
Trong nỗ lực cải thiện trật tự và mỹ quan đô thị, chính quyền Hong Kong gần đây ngừng cấp mới giấy phép bán hàng rong và cấm những người đã có giấy phép sang tên cho người khác. Hong Kong cũng yêu cầu người bán hàng rong tự thực hiện toàn bộ công việc và không được có người phụ giúp. Quy định này khiến số người bán hàng rong hợp pháp ở thành phố giảm từ hàng chục nghìn người vào những năm 1970 xuống còn 153 người hiện nay.
Người vi phạm có thể đối mặt án phạt cao nhất là 5.000 đôla Hong Kong (gần 637 USD) và một tháng tù nếu phạm tội lần đầu. Giới chức cho rằng những người bán hàng rong trái phép chiếm dụng không gian công cộng và cản trở giao thông.
Các vụ đối đầu giữa cảnh sát và người bán hàng rong có thể gây hậu quả lớn. Năm 2016, khi cảnh sát xua đuổi những người bán hàng rong trước thềm Tết Nguyên đán, một vụ bạo loạn đã nổ ra. Sự cố này còn được truyền thông gọi là "cách mạng cá viên chiên", khiến hơn 60 người biểu tình bị cảnh sát bắt.
Ngọc Ánh (Theo SCMP)