40 nhà lập pháp hôm nay thông qua luật mới với một phiếu chống trong cuộc họp của Hội đồng Lập pháp Hong Kong. Theo quy định mới, tất cả công chức gồm các quan chức chính phủ, thành viên nội các, nhà lập pháp và thẩm phán sẽ được yêu cầu "tuyên thệ trung thành" và phải tuân thủ trong suốt nhiệm kỳ.
Quy định này cũng được áp dụng với hơn 470 ủy viên hội đồng quận - các quan chức địa phương mà người Hong Kong có thể lựa chọn thông qua hình thức phổ thông đầu phiếu.
Vào cuối năm 2019, các ứng viên hội đồng quận ủng hộ dân chủ đã giành được chiến thắng lớn, trước sự chỉ trích dữ dội của Bắc Kinh. Tuy nhiên, ít nhất 26 ủy viên hội đồng quận đã từ chức trong những tuần trước cuộc họp của cơ quan lập pháp Hong Kong hôm nay.
Theo luật mới, quan điểm chính trị của các quan chức sẽ được cân nhắc dựa trên danh sách "tích cực" và "tiêu cực", được thiết kế để loại bỏ bất kỳ người bất trung và bất kỳ hành vi nào có thể "gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia".
Việc kiểm tra lòng trung thành cũng sẽ được thực hiện trong suốt nhiệm kỳ. Quan chức có thể bị đình chỉ ngay lập tức nếu lãnh đạo cơ quan tư pháp nhận thấy người đó không trung thành. Những người bị sa thải vì quan điểm "bất trung" sẽ bị cấm ứng cử trong 5 năm.
"Một số người có vẻ nghiêm túc khi tuyên thệ nhưng có thể thực hiện các hành vi trái pháp luật sau đó", Regine Ip, nhà lập pháp thân Bắc Kinh, nói trước cơ quan lập pháp. Bà cho biết bà "rất vui mừng" khi bỏ phiếu cho luật mới.
Giới chức cũng đang soạn thảo một luật riêng biệt để trao quyền cho một ủy ban, với sự trợ giúp của tình báo, kiểm tra tất cả ứng cử viên tranh cử xem họ có phải là mối đe dọa an ninh quốc gia hay không.
Luật mới là một phần trong những thay đổi sâu rộng mà Bắc Kinh đưa ra đối với hệ thống bầu cử của Hong Kong. Động thái này sẽ làm giảm đáng kể số lượng các chính trị gia được bầu và đảm bảo chỉ những "người yêu nước trung thành" mới được tham gia chính trường.
Phương Tây, đặc biệt là Anh và Mỹ, gần đây nhiều lần lên tiếng về vấn đề Hong Kong, cáo buộc Bắc Kinh vi phạm cam kết đảm bảo Hong Kong được hưởng mức độ tự chủ cao và quyền tự do ngôn luận. Trong khi đó, Bắc Kinh khẳng định vấn đề ở Hong Kong là chuyện nội bộ và cáo buộc các thế lực bên ngoài đang âm mưu gây rối ở đặc khu.
Phương Vũ (Theo AFP)