"Nỗ lực đơn phương và vô trách nhiệm của Mỹ nhằm làm suy yếu địa vị của Hong Kong như một lãnh thổ hải quan riêng biệt là rất không phù hợp", lãnh đạo cơ quan thương mại Hong Kong Edward Yau cho biết hôm 30/10, xác nhận việc họ sắp đưa vấn đề với Mỹ ra cơ chế dàn xếp tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Động thái được Hong Kong tiến hành sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ra quy định mới, yêu cầu hàng hóa từ đặc khu, vốn được phép dán nhãn "Made in Hong Kong" (Sản xuất ở Hong Kong), nay phải sửa thành "Made in China" (Sản xuất ở Trung Quốc).
Các nhà xuất khẩu Hong Kong cho rằng việc mất nhãn hiệu "Made in Hong Kong" có thể gây thiệt hại cho thương hiệu của họ. Ông Yau nói việc Mỹ yêu cầu hàng hóa Hong Kong dán nhãn "Made in China" sẽ gây nhầm lẫn cho thị trường và làm suy yếu hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ.
Hong Kong, một trong những thương cảng lớn của thế giới, là thành viên của WTO dù vẫn là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Theo mô hình "Một quốc gia, hai chế độ", Hong Kong được trao nhiều quyền tự chủ, bao gồm các quy tắc về hải quan và nhập cư riêng.
Tuy nhiên, sau khi Bắc Kinh thông qua luật an ninh Hong Kong cuối tháng 6, Tổng thống Trump hồi tháng 7 đã ký sắc lệnh tước những ưu đãi thương mại của Hong Kong. Sắc lệnh này của Trump thể hiện quan điểm của Mỹ rằng Hong Kong hiện nay "chỉ là một thành phố của Trung Quốc" và không xứng đáng với các đặc quyền thương mại được hưởng trước đây.
Luật an ninh Hong Kong được ban hành ngày 30/6, hình sự hóa 4 loại tội phạm an ninh quốc gia gồm ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với nước ngoài hoặc các phần tử bên ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh. Người Hong Kong phạm luật có thể bị kết án chung thân, quyền tố tụng và xét xử các "trường hợp nghiêm trọng" thuộc về chính quyền trung ương.
Chính phủ Trung Quốc và chính quyền Hong Kong khẳng định luật chỉ nhắm đến một nhóm đối tượng nhỏ và quyền lợi, tự do của người Hong Kong cũng như lợi ích các nhà đầu tư nước ngoài vẫn được đảm bảo. Tuy nhiên, Mỹ và các nước châu Âu chỉ trích luật này, gọi đây là sự hủy hoại tự chủ, tự do của Hong Kong và làm suy yếu nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ".
Ngọc Ánh (Theo AFP)