Xuân, hiện là nhân viên một công ty truyền thông, ở Hoàn Kiếm, vốn bị mụn nội tiết nặng, hai má có nhiều mụn mủ và viêm. Một lần, khi đến spa để chăm sóc da, nhân viên ở đây tư vấn liệu trình hút chì thải độc, giá 100.000 nghìn đồng mỗi lượt để "làm sạch, loại bỏ toàn bộ chì và độc tố trong 5 phút". Người này nói thực hiện hai lần một tuần giúp da sáng khỏe, hết mụn.
Nhân viên dùng tinh chất trong một viên hình con nhộng thoa đều lên da mặt khách, sau đó dùng máy để hút chì, không rõ thành phần sản phẩm. Mỗi lần hút, người này đưa những miếng bông lau mặt đen sì và nói là "chì trên da mặt". Do thường xuyên trang điểm, Xuân tin rằng chì là nguyên nhân khiến tình trạng mụn của mình nặng nề.
"Nhìn chất bẩn đen trên bông tẩy trang tôi nổi hết da gà, không nghĩ da mình bẩn đến thế", cô gái nói.
Sau ba tháng, chi hơn chục triệu đồng chăm sóc da và hút chì, Xuân vẫn không hết mụn, thậm chí mọc dày đặc hơn, hay bị ngứa, mẩn đỏ tại vị trí nặn mụn. Nhân viên giải thích do chăm sóc sau nặn không đảm bảo. Sợ da mặt nhiễm trùng, cô đến bệnh viện kiểm tra, xét nghiệm cho thấy da bị nhiễm nấm, phải uống thuốc kháng sinh và kháng nấm, đồng thời bôi tại chỗ. Bác sĩ nói nguyên nhân nhiễm nấm có thể là quá trình chăm sóc da không đảm bảo an toàn, vô trùng, khiến nấm lan vào ổ tổn thương cũ.
Hút chì là dịch vụ nhiều spa, thẩm mỹ viện quảng cáo gần đây, được ưa chuộng do giá rẻ, hiệu quả nhìn tận mắt. Ngoài thải độc chì bằng máy còn có viên uống thải độc, mặt nạ thải độc chì sủi bọt. Các nhân viên giải thích do môi trường bụi bẩn, áp lực công việc, thoái quen sinh hoạt khiến da nhiễm độc chì, xỉn màu, tàn nhang, mụn, lão hóa, sần sùi, khô ráp. Liệu trình hút chì thải độc được quảng cáo giúp "da luôn sạch và khỏe mạnh, đỡ tẩy trang vệ sinh nhiều bước".
Ngày 3/8, bác sĩ Tạ Quốc Hưng, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, cho biết hiện không có bất cứ bằng chứng khoa học nào cho thấy da mặt chứa chì và có thể hút chì như các spa hay thẩm mỹ viện quảng cáo.
Chì là kim loại nặng và độc hại, có thể thẩm thấu qua da và tích tụ trong cơ thể. Khi thẩm thấu ở mô da, chì khiến da trở nên sần sùi, nhạy cảm, xuất hiện nám, tàn nhang, mụn... Nhiễm độc chì thường gặp ở người làm việc lâu trong nhà máy hóa chất, xăng dầu có chì; người nung nấu, tinh chế chì hoặc dùng các mỹ phẩm có nhiều chì bám chặt vào da. Tuy nhiên, các hãng mỹ phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng chỉ chứa hàm lượng chì rất nhỏ, không gây hại.
Ngoài ra, da mặt là một lớp bảo vệ tự nhiên của cơ thể, có khả năng ngăn cản các chất bên ngoài xâm nhập vào và từ trong thất thoát ra. "Cách thải độc đơn giản như các spa thực hiện không thể hút hay thải độc", bác sĩ nói.
Mặt khác, những hóa chất khi bôi trên da có thể tồn tại khá lâu, từ một tuần đến một tháng. Nếu không can thiệp, hóa chất này cũng tự đào thải, bởi cứ 28 ngày tế bào da tự luân chuyển, đào thải một lần. Do đó, thải độc chì một tuần hai lần không phải là phương pháp chăm sóc da bình thường và không được các cơ quan y tế khuyến nghị. Thải độc chì thông qua da mặt cũng không bảo vệ da khỏi nám, tàn nhang hay giúp da trắng sáng và đẹp.
"Chất lỏng màu xám đen cũng không phải là chì như quảng cáo mà có thể là hỗn hợp mồ hôi, mỡ, nhờn thải ra qua da, gặp nhiệt độ sẽ phản ứng", bác sĩ phân tích.
Cùng quan điểm, bác sĩ Phạm Duy Linh, Khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), cho rằng đây chỉ là phương pháp chăm sóc da thông thường như tẩy da chết, có thể loại bỏ lớp bụi bẩn ở thượng bì chứ không có tác dụng làm trắng sáng, loại bỏ nám hay thải độc. Nếu muốn điều trị mụn, nám hay trẻ hóa, khách hàng phải đến cơ sở uy tín để tác động sâu vào da bằng phương pháp hiện đại như filler, meso, peel...
"Quảng cáo hút, thải độc chì chỉ là chiêu trò và đánh tráo khái niệm để hút khách", bác sĩ nói, thêm rằng người thường xuyên sử dụng mỹ phẩm cũng không nhất thiết phải thải độc chì do lượng này bám vào da mặt không đáng kể.
Cụ thể, nếu nồng độ chì máu thấp dưới 10 mcg/dL, bệnh nhân không cần điều trị hay can thiệp. Trường hợp ngộ độc chì phải tuân theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự điều trị tại nhà.
Bác sĩ khuyến cáo chị em nên chăm sóc da đúng cách và đều đặn. Sử dụng sữa rửa mặt phù hợp với loại da để bỏ bụi bẩn, dầu thừa và lớp trang điểm. Rửa mặt hai lần mỗi ngày vào buổi sáng và tối. Sử dụng toner (nước cân bằng da) sau khi rửa mặt để cân bằng độ pH da và làm sạch sâu hơn. Nên chọn kem dưỡng ẩm phù hợp với loại da và thoa đều lên mặt, cổ hàng ngày. Dưỡng ẩm giúp da giữ độ ẩm, ngăn ngừa khô và giảm thiểu nếp nhăn.
Tránh tiếp xúc ánh nắng mặt trời quá lâu. Sử dụng nón, áo khoác dài và kem chống nắng để bảo vệ da khỏi tác động của tia UV. Lựa chọn loại kem chất lượng phù hợp vùng, loại da (nhờn, khô, nhạy cảm...). Thoa trước khi ra nắng ít nhất 20 phút, thoa lại sau 2-3 giờ, ưu tiên vùng tiếp xúc trực tiếp ánh sáng mặt trời. Nếu có điều kiện, bôi kem chống nắng cho cả vùng tay chân, thân mình. Da đang điều trị mụn không nên dùng kem chống nắng.
Bổ sung thêm rau quả như cam, bưởi, dứa và uống thêm vitamin để da chắc khỏe. Uống từ hai đến ba lít nước mỗi ngày để thanh lọc, hạ nhiệt cho cơ thể. Ngủ sớm để cơ thể đào thải độc tố ra ngoài. Không uống rượu bia hoặc chất kích thích khiến hệ nội tiết bị ức chế gây mụn nhọt. Không sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc để tránh nguy cơ nhiễm chì không mong muốn.
Thùy An