Nam thanh niên lái xe trong tình trạng say rượu gây tai nạn, hôn mê, nằm thoi thóp. Nhân viên y tế thay phiên bóp bóng thở, đo huyết áp, theo dõi chỉ số sinh tồn, khám tổng thể... Kết quả bệnh nhân bị chấn thương sọ não, tụ máu não, bắt buộc phải mổ ngay. Tuy nhiên, các bác sĩ không thể thực hiện ngay cuộc mổ do bệnh nhân không có người thân đi cùng, cũng không biết tên nên ghi "vô danh".
"Huyết áp tụt, mạch nhanh, cần phương án", dồn dập thông báo từ kíp xử trí cấp cứu phát ra ở buồng tiếp nhận người bệnh. Áp lực từ vắng mặt người nhà, từ các thủ tục hành chính, viện phí lớn, đổ dồn lên bác sĩ. "Đẩy thẳng vào phòng mổ", TS.BS Nguyễn Duy Tuyển, Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh 2, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, quyết định nhanh, đồng thời cam kết chịu hoàn toàn trách nhiệm để cứu người bệnh vô danh.
Theo bác sĩ Tuyển, bệnh nhân bị thương rất nặng, một cuộc mổ không thể xử trí tất cả tổn thương. Người bệnh phải trải qua nhiều cuộc đại phẫu để giải tỏa não, xử trí nhiễm trùng, hạn chế di chứng. Ngoài ra, tri giác người có sử dụng rượu thường không tỉnh như bình thường, dễ kích thích, giãy dụa, cần theo dõi lâu dài và kết hợp nhiều chuyên khoa.
"Một người khỏe mạnh, chỉ vì cuộc vui với rượu mà phải chấp nhận cuộc sống mòn với nhiều di chứng bệnh tật, khép lại cả tương lai", bác sĩ nói.
Không chỉ "thiệt thân" mình, nhiều người say rượu lái xe còn gây hại đến người thân và những người đi đường. Như người đàn ông 40 tuổi, uống rượu, va chạm xe khác khiến con trai 6 tuổi bất tỉnh, còn mình xây xát toàn thân. Kết quả kiểm tra bé bị vỡ xương, máu tụ màng cứng, đến viện thì ngừng thở, "gần như bước cả hai chân vào cửa tử". Ngoài cuộc mổ xử lý máu tụ, bác sĩ phải hội chẩn đưa ra phác đồ điều trị cho trẻ lâu dài, hạn chế tối đa di chứng.
Trung tâm Thần kinh Bệnh viện Việt Đức là "điểm nóng" tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân nặng. Trong đó, tai nạn giao thông do rượu bia được xem là thảm họa với cả bệnh nhân và người nhà. Thống kê của Bệnh viện, trong 5 tháng đầu năm, số tai nạn giao thông tăng, riêng bệnh nhân liên quan nồng độ cồn chiếm 15%.
Trên thực tế, tỷ lệ tai nạn giao thông liên quan nồng độ cồn đã giảm mạnh so với giai đoạn trước, song "gần như ngày nào cũng có bệnh nhân". Đa số là bệnh nhân trẻ, dưới 40, đặc biệt là nhóm 20-30 tuổi.
Hơn 20 năm trong nghề, bác sĩ Tuyển tiếp nhận hàng nghìn ca bệnh cấp cứu do tai nạn giao thông, trong đó nạn nhân liên quan nồng độ cồn thường rất nặng vì người lái xe không làm chủ tốc độ, không kiểm soát được bản thân và điều kiển phương tiện theo bản năng. Uống rượu làm chậm phản ứng của não, ảnh hưởng tiêu cực đến kỹ năng lái xe, dễ gây ra tai nạn giao thông.
Chẳng hạn, bệnh nhân có nồng độ cồn trong máu 310-400 mg/ml có thể mất khả năng vận động, mất hoàn toàn ý thức, hạ thân nhiệt. Nồng độ cồn trong máu 410-500 mg/ml, bệnh nhân có nguy cơ hôn mê, suy giảm chức năng hô hấp, huyết áp tụt, hạ thân nhiệt. Trường hợp nồng độ cồn trên 500 mg/ml, người bệnh có thể tử vong bất cứ lúc nào.
Theo Bộ Y tế, Việt Nam xếp thứ hai trong các nước Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia tính trên đầu người. Tình trạng uống quá độ đến mức nguy hại đang rất phổ biến ở người trưởng thành Việt Nam, lên tới hơn 44% số nam giới.
Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia tại Việt Nam ước tính chiếm 36,2% tổng số trường hợp tai nạn giao thông ở nam giới và 0,7% ở nữ. Hàng năm, thế giới phải chi 400 tỷ USD để cấp cứu chấn thương sọ não, đặc biệt là người trong độ tuổi lao động, di chứng nặng nề, nhiều ảnh hưởng sinh hoạt sau này, vì tế bào thần kinh là không hồi phục. Nhiều trường hợp hôn mê không thể trở lại cuộc sống bình thường, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Theo bác sĩ, bệnh nhân nhập viện do sử dụng rượu bia gây nhiều khó khăn cho công tác cấp cứu. Nếu người bệnh không say rượu, bác sĩ còn có thể hỏi bệnh nhân để nắm một số thông tin ban đầu. Trường hợp bệnh nhân mê man không biết gì hoặc trả lời lung tung, thậm chí còn cáu gắt, mắng chửi, đập phá vì không muốn bị làm phiền. Nhiều ca bệnh hôn mê, không có người nhà đi cùng, khiến bác sĩ khó chẩn đoán bệnh hoặc không biết lý do cấp cứu vì rượu bia hay do bệnh lý sẵn có. Lúc này, nhân viên y tế phải kiểm tra, chụp chiếu toàn thân, có thể bỏ lỡ "giai đoạn vàng" điều trị vừa gây tốn kém.
"Chẩn đoán sai hướng còn ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm, chụp chiếu, điều trị", bác sĩ nói. Khi lượng cồn trong máu cao có thể phản ứng với thuốc, làm giảm tác dụng của thuốc hoặc tăng độc tính của thuốc, như rối loạn đông máu, ảnh hưởng đến việc cầm máu, gây mê, tổn thương đa cơ quan...
Theo bác sĩ, các trường hợp chấn thương khi sử dụng bia rượu có khả năng diễn biến nặng cao hơn. Bệnh nhân có nguy cơ tổn thương đa cơ quan, suy giảm miễn dịch, phải huy động nhiều chuyên khoa chẩn đoán, hội chẩn thay vì chỉ xử lý chấn thương. Có người không thể minh mẫn, thay đổi tính tình, ảnh hưởng vùng chức năng nói, rối loạn ngôn ngữ, nói khó, liệt nửa người hoặc liệt vĩnh viễn, thậm chí tử vong. Có người mổ hàng chục lần, gần như "sống phụ thuộc cả đời vào thuốc, vào bệnh viện", theo bác sĩ.
Như bệnh nhân nam 23 tuổi, ở Hà Nam, lái xe uống rượu và gây tai nạn, nhập viện trong tình trạng rất nặng, mặt bê bết máu. Các bác sĩ tập trung cấp cứu bệnh nhân, bóp bóng thở nội khí quản, đo huyết áp, tiên lượng bệnh nhân rất nặng, chấn thương sọ não, tụ máu não, hôn mê, gãy xương hàm mặt, dập phổi hai bên. Người bệnh phải trải qua nhiều cuộc mổ để xử lý chấn thương, chỉnh hình, khắc phục di chứng, rất khó tiên lượng xa.
Trường hợp khác, nam, 28 tuổi, uống rượu gây tai nạn giao thông, nhập viện trong tình trạng hôn mê, đồng tử hai bên giãn, tổn thương toàn bộ não, ngừng thở, phù não nặng nề, "không thể can thiệp ngoại khoa". Bác sĩ đành dặn xe cứu thương chờ để đưa người bệnh trở về nhà, "tiết kiệm một khoản tiền cho gia đình thay vì điều trị trong vô vọng".
"Tác hại của rượu bia vô cùng ám ảnh, thương tâm, nếu may mắn sống sót cũng phải gánh chịu di chứng cả đời", bác sĩ nói.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), không có một tiêu chuẩn chung về việc uống bao nhiêu là có hại, bởi nguy cơ do uống rượu bia khác nhau phụ thuộc vào tuổi, giới tính và các đặc tính sinh học của từng người, cũng như hoàn cảnh và cách thức uống rượu bia. Điều này có nghĩa là không có mức độ uống rượu bia nào là an toàn.
Rượu bia dễ gây hưng phấn, khiến người chạy xe tốc độ cao mà vẫn thấy chậm, không làm chủ được hành vi, gây buồn ngủ. Lúc này, khả năng quan sát biển báo, tín hiệu và trên đường không còn rõ ràng, khả năng phản xạ giảm 10-30% khi gặp tình huống bất ngờ nên dễ gây nguy hiểm cho mọi người.
Bộ Y tế khuyến cáo không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày với nam, một đơn vị cồn/ngày đối với nữ và không uống quá 5 ngày/tuần. Không để cho trẻ em và vị thành niên uống rượu bia. Tuyệt đối không điều khiển phương tiện cơ giới sau khi uống rượu bia.
Thùy An