Diễn viên đóng chính trong tác phẩm Dưới bóng giai nhân của sân khấu Idecaf, do Quang Thảo đạo diễn - biên kịch. Hồng Ánh nói Thúy Kiều là vai nặng ký nhất từ trước đến nay của chị, xuất hiện ở hầu hết phân đoạn. Do cần thời gian tập dượt cùng dàn nghệ sĩ, duy trì cảm xúc xuyên suốt dự án, chị phải từ chối lời mời đóng ba tác phẩm điện ảnh, một phim truyền hình.
Hồng Ánh hào hứng với vai diễn bởi câu chuyện khắc họa chân dung Thúy Kiều mạnh mẽ, không để dòng đời đưa đẩy mà đứng dậy, quyết định số phận chính mình. "Ban đầu, tôi tò mò với vai Hoạn Thư, nhưng sau khi được đạo diễn trao kịch bản, tôi quyết tâm chinh phục nhân vật, hy vọng mang đến sự mới mẻ ở diện mạo lẫn khí chất", diễn viên nói.
Đạo diễn Quang Thảo cho biết từng tuyển một số diễn viên đóng Thúy Kiều nhưng không phù hợp, có lúc tưởng phải ngưng dự án. Sau đó, anh ngỏ ý mời Hồng Ánh casting và nhận ra đây là lựa chọn phù hợp nhất cho nhân vật. "Cô ấy vừa có nội lực diễn xuất, vừa có sức khỏe tốt, do nhiều ngày êkíp phải tập từ 17h đến 5h", anh cho biết.
Hồng Ánh, 47 tuổi, bắt đầu sự nghiệp với bộ môn múa. Ở tuổi 18, chị được đạo diễn Lê Cung Bắc chọn vào vai Bạch Vân - em gái của Bạch Cúc (Việt Trinh đóng) trong phim truyền hình Người đẹp Tây Đô. Chị tiếp tục đóng phim truyền hình Những nẻo đường phù sa, Cầu thang tối. Năm 2000, chị đoạt giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc trong Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 45. Năm 2004, chị lần đầu đóng phim cổ trang với vai Kiều Nguyệt Nga trong phim Lục Vân Tiên.
Những năm gần đây, chị tham gia các phim thương mại có doanh thu cao, như Tiệc trăng máu (đạo diễn Quang Dũng, 180 tỷ đồng). Trong vai trò đạo diễn, chị ghi dấu ấn với phim Đảo của dân ngụ cư - tác phẩm đoạt ba giải lớn tại Liên hoan phim ASEAN 2017. Hồng Ánh diễn cho các sân khấu nổi tiếng TP HCM như Idecaf, Hoàng Thái Thanh qua các vở 12 bà mụ, Ngày xửa ngày xưa, Nửa đời hương phấn.
Kịch bản Dưới bóng giai nhân có nhiều cải biên so với tác phẩm gốc, một số sự kiện, nhân vật được thêm thắt. Vở được đầu tư ở khâu cảnh trí, phục trang, hơn 200 bộ quần áo được thiết kế riêng. Không tiết lộ cụ thể kinh phí, ông "bầu" Huỳnh Anh Tuấn cho biết vở là dự án được dồn nhiều tâm sức nhất, kể từ nhạc kịch Tiên Nga (2017).
Giám đốc âm nhạc Văn Tứ Quý soạn từng bài riêng để tương ứng các tình huống, số phận nhân vật, như cảnh Thúy Kiều - Thúc Sinh chơi cờ, Hoạn Thư xuất hiện, lồng ghép thêm chầu văn, ngâm Kiều. "Thách thức với chúng tôi là phải đáp ứng được chất giải trí, giữ chân khán giả tới màn cuối, đồng thời đảm bảo về thông điệp, phản ánh được bức tranh thời cuộc", Quang Thảo nói.
Vở còn có sự góp mặt của nghệ sĩ Thanh Thủy (vai Hoạn Thư), Mỹ Duyên (vai Đạm Tiên), Đình Toàn (Hồ Tôn Hiến), Đại Nghĩa (Từ Hải), Công Danh (Thúc Sinh), Bạch Long (Bạc Hạnh), Hoàng Trinh (Tú Bà Lã Thu), Diệu Đức (ni sư Giác Duyên), Tuyền Mập (Bạc Bà). Tác phẩm dự kiến ra mắt tại Nhà hát Bến Thành (quận 1), diễn sáu suất trong tháng 12.
Truyện Kiều là tác phẩm nổi tiếng của đại thi hào Nguyễn Du, dựa theo bộ truyện văn xuôi Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc). Truyện lấy bối cảnh Trung Quốc thời vua Gia Tĩnh nhà Minh (1521-1567), nhân vật chính - nàng Kiều - phải bán mình làm lẽ rồi lưu lạc vào lầu xanh. Tác phẩm được coi là "Tập đại thành của văn học cổ điển nước nhà". Ngôn từ, lời lẽ trong tác phẩm được dùng để đối đáp trong sinh hoạt văn hóa người Việt như: lẩy Kiều, vịnh Kiều, tranh Kiều, bói Kiều, hát ví dặm Nghệ An, Hà Tĩnh bằng lời thơ trong Kiều.
Tác phẩm từng được nhiều đơn vị đưa lên sân khấu, phim ảnh. Năm 2022, vở ballet Kiều - lấy cảm hứng từ tác phẩm - đoạt huy chương tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2021.
Mai Nhật