- Với vai trò là nhà phát hành, chị đã bước vào “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” thế nào?
- Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm đã gửi dự án cho tôi xin tài trợ từ năm 2011 cho phần hậu kỳ. Tuy nhiên, lúc đó toàn bộ kế hoạch kinh phí hãng phim của tôi đã dồn cho các dự án chùm phim ngắn về giao thông, tiệc phim Yxine và phim điện ảnh Đường đua. Tôi chỉ có thể giúp Thắm giới thiệu dự án này và gửi hồ sơ xin tài trợ, nhưng các bên rất thờ ơ. Khi xem bộ phim ở liên hoan phim tài liệu quốc tế, tôi đã rớt nước mắt.
Tôi là người miền Tây, được tiếp xúc với những người chuyển giới ở các hội chợ lô tô rất nhiều nhưng nếu bảo là hiểu thì đúng là tôi không hiểu họ. Bản thân tôi cũng hoạt động nghệ thuật và lâu nay hay cảm thán nghề mình bạc nhưng yêu nghề nên vẫn làm. Nhưng khi xem phim tôi mới thấy mình còn quá sung sướng. Nếu không xét về mặt giới tính thì đều cùng làm nghề mua vui cho thiên hạ nhưng những người như chị Phụng đâu có được hạnh phúc như mình.
Tôi nghĩ “Tại sao bộ phim hay như thế này mà chẳng ai biết gì tới nó?”. Thắm nói với tôi: ‘Chị xem có cách nào quen được ai cho em xin, đừng thuê rạp, chiếu miễn phí thôi, tổ chức buổi chiếu đàng hoàng cho em mời báo chí, khán giả, các nhân vật. Hai chị mất rồi mà làm được phim này chỉ mong muốn được nhiều người xem thôi”. Tôi quyết định lấy bộ phim này về phát hành, chưa biết phát hành ra sao nhưng vẫn phải lấy về đã.
- Một đề tài xã hội và lại còn là một phim tài liệu, thể loại vốn không được nhiều khán giả quan tâm tại Việt Nam. Điều đó tác động thế nào đến chi khi nhận phát hành?
- Tôi nghĩ, có nhiều phim khiến mình rất có cảm xúc nhưng chắc gì gu của mình đã là gu của khán giả. Thị hiếu khán giả rất khó nắm bắt. Nhưng tôi tự tin vì xem phim này có những đoạn tôi bật cười, có những đoạn nhân vật không hề khóc nhưng nhiều người xem sẽ khóc. Những người như chị Phụng rất bản lĩnh, nghĩa hiệp. Điều quan trọng là những bộ phim như thế này cần nhiều người xem vì lâu nay chúng ta vẫn nhìn nhận về giới LGBT khắt khe, hay quy chụp họ là gian xảo.
Trong bộ phim này, họ ít học nhưng họ ý thức được quyền công dân và nghĩa vụ của mình, không sống phạm pháp, lao động chân chính. Tôi không hề có cảm giác những người như chị Phụng là đàn ông. Tôi tìm cách phát hành theo hướng đi độc lập vì khi giới thiệu tới các hãng lớn, mọi người e dè “Không ai xem đâu chị Ánh ơi”. Thời buổi này, nhiều phim thị trường ra rạp lớn còn khó huống chi phim tài liệu. Thay đổi thói quen mọi người rất khó dù là bán vé rẻ.
- Chị đã nghiên cứu cách phát hành theo hướng đi độc lập như thế nào?
- Vì không thể chia với các rạp chiếu lớn nên tôi tìm đến những rạp nhỏ hơn, những trung tâm văn hóa đáp ứng được kỹ thuật phòng chiếu để thuê rạp. Để bán vé trước, chúng tôi phải có chính sách là giao vé tận nơi với những khán giả mua trên 5 vé. Chúng tôi chia sẻ những câu chuyện, bài viết cảm nhận của các nhà phê bình, tổ chức chiếu cho những người đứng đầu của các hội, đoàn và chính những người đó sẽ giúp cho việc bán vé.
Giá vé 40.000 đồng tôi cũng “nhấc lên đặt xuống” nhiều lần vì 25.000 đã là một bữa cơm của một bạn sinh viên nghèo xa nhà rồi. Nếu như thấp hơn thì lại không đủ chi phí thuê rạp, cài đặt thiết bị. Mục tiêu của tôi là hòa vốn hoặc lỗ 5% mà có nhiều người xem là tôi hạnh phúc lắm rồi. Nếu chiếu ở Hà Nội mà kín khán giả cả 18 suất là một thành công. Chúng tôi có nhiều tình nguyện viên và mỗi người đều tâm huyết với Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, coi đây như là bộ phim của chính mình.
- Phản ứng của khán giả sau buổi chiếu đầu tiên tại TP HCM như thế nào?
- Khán giả đã ngồi lại rất lâu, tới dòng generic cuối cùng. Anh Đàm Vĩnh Hưng dù bận rộn nhưng vẫn bay từ Đà Nẵng về TP HCM ngồi xem và chia sẻ cảm xúc rất thật. Khán giả có nhiều người đã khóc và tự mọi người về chia sẻ, tạo nên hiệu ứng cho bộ phim. Tự khán giả đã làm truyền thông cho Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng. Khi đọc nhiều bài điểm phim, tôi cảm thấy nhiều người xem phim còn nhìn ra được những khía cạnh khác của câu chuyện mà mình chưa nghĩ tới. Hiệu ứng lan tỏa và bộ phim cứ tăng suất chiếu dần.
- Kế hoạch của chị đưa phim đi các tỉnh ra sao?
- Tôi nghĩ có lẽ số phận của bộ phim cũng sẽ giống như đoàn lô tô của chị Phụng, sẽ đi digan tới các tỉnh thành khắp cả nước như thế. Bên cạnh đó, tôi cũng sẽ đưa bộ phim tới các trường đại học. Cứ trên 300 vé là tôi sẽ tổ chức chiếu tại chỗ.
- “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” có thể nói là bộ phim tài liệu tạo được hiệu ứng tốt thông qua việc truyền miệng và mạng xã hội. Chị nghĩ sao về hiệu ứng này?
- Nếu cách đây 10 năm khi chúng ta chưa có nhiều sự lựa chọn, bộ phim có thể sẽ thành công và gây sự chú ý khi ra mắt. Nhưng để có được hiệu ứng như thế này giờ đây thì là trường hợp hiếm hoi. Khán giả ngày nay có nhiều lựa chọn tại các rạp chiếu. Tuy nhiên, Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng giống như một phép thử và cho thấy những gì tử tế, nói chung là phim hay thì vẫn sẽ có người xem. Hơn nữa, phim lại không mang cảm giác là phim tài liệu. Nhiều khán giả nói với tôi sau khi xem xong là “Em không thích cái kết” rồi là “Các chị ấy đóng hay quá”. Khán giả nhà mình vẫn chưa có khái niệm rõ ràng về thể loại. Đây là cuộc đời nhân vật, họ có gì họ phơi bày hết chứ họ không diễn. Đừng gọi họ là “diễn viên” mà hãy gọi là “nhân vật”.
- Chị đánh giá thế nào về số lượng nhà làm phim tài liệu độc lập như Nguyễn Thị Thắm ở Việt Nam hiện nay?
- Rất ít. Đó là một trong những lý do mà nếu không được hỗ trợ, những người như Thắm sẽ rất nản lòng. Trước đây, phim tài liệu có chị Phan Thị Vàng Anh, chị Phan Huyền Thư và giờ có thêm Thắm. Việc phát hành Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng còn là việc ủng hộ những người làm phim tài liệu, ủng hộ các nhà làm phim nữ. 5 năm của bộ phim không phải là thời gian quay liên tục mà có những lúc Thắm phải ngừng lại vì không có tiền. Cô ấy trở về, tìm cách kiếm tiền từ các công việc khác rồi lại tiếp tục cho hành trình của mình.
- Sau “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”, sắp tới chị có dự án nào được phát hành theo cách độc lập này?
- Những bộ phim sắp tới được phát hành dù do hãng phim của tôi sản xuất hay mua từ nguồn nào cũng sẽ ít nhiều tạo cho khán giả một thói quen. Có thể bộ phim sau khán giả không ùn ùn xếp hàng vào rạp như Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng nhưng một lượng khán giả ruột của các tác phẩm độc lập sẽ tới. Tôi quan niệm phim ảnh giống như những món ăn. Mỗi ngày, hãy chọn thêm một món ăn mới bên cạnh cơm, phở, bún, miến. Tác phẩm nào rồi cũng sẽ có đường đi riêng, quan trọng là phim có hay, có tốt và mọi người có chịu chia sẻ hay không.
Dự án sắp tới của tôi được phát hành là chùm phim ngắn về giao thông nhưng không phải là những bộ phim tuyên truyền. Tôi đã chiếu ở 14 trường đại học rất thành công, trong đó có cả một phim do Nguyễn Thị Thắm thực hiện. Tôi nghĩ những phim tài liệu phong cách Varan mang nhiều dấu ấn cá nhân rất hợp với các bạn trẻ hiện nay và ai cũng có thể tự quay cho mình một bộ phim. Nó giống như Vlog, cập nhật xu thế muốn chia sẻ những câu chuyện riêng. Khán giả giờ không còn thích những phim tài liệu mang tính áp đặt, đọc lời bình nữa.
- Bên cạnh nghề diễn viên, giờ đây công việc sản xuất và phát hành phim đem tới cho chị những trải nghiệm gì?
- Làm bất cứ công việc gì liên quan tới phim ảnh là tôi đều say mê. Đóng phim thì mình nhìn thấy sản phẩm, vai diễn của mình nhưng sản xuất và phát hành lại mang lại những cảm xúc rất mãnh liệt khi nhìn thấy sản phẩm của mình được đón nhận. Tôi tin rằng nếu mình yêu thích một cái gì đó thực sự, hết mình vì nó thì sẽ truyền được cảm hứng tới người khác.
Nguyên Minh thực hiện