Sự phát triển của dòng crossover cỡ C đang đe dọa trực tiếp tới sự tồn tại của những chiếc sedan cùng cỡ. Xét trên tính thực dụng cho nhu cầu hàng ngày, chung một nền tảng, CX-5, CR-V, Tucson... có những lợi thế hơn hẳn Mazda3, Civic hay Elantra. Để các sản phẩm không dẫm chân, các hãng tạo ra sự khác biệt về khoảng giá, chênh nhau 100-300 triệu. Khách hàng vẫn có lý do để chọn sedan thay vì crossover.
Nhưng với Civic thì khác. Khách mua chiếc sedan động cơ tăng áp, phần lớn không phải vì giá. Bởi Civic không rẻ. Đặc biệt bản RS lên tới 929 triệu. Những nét cá tính giúp mẫu xe của Honda có tập khách hàng riêng. Nhưng bởi cá tính, nên không nhiều. Sau nửa năm 2019, Civic bán được 1.155 xe, cuối bảng xếp hạng sedan cỡ C. Đứng đầu phân khúc, Mazda3 bán tới 6.570 chiếc.
Từ chỗ là mẫu xe bán chạy trên toàn thế giới nhiều năm trước, Civic bị ảnh hưởng danh tiếng nghiêm trọng ở thế hệ thứ 9 (2011-2015) khi thiết kế cục mịch, thiếu thanh thoát và xe gặp nhiều lỗi. Sau này, chính CEO Takanobu đã xác nhận sự thất bại của Civic ở thế hệ đó không có gì lạ, bởi chính sách cắt giảm tối đa chi phí khi phát triển.
Quyết tâm xây dựng lại thế hệ thứ 10 (2016-nay) được hiện thực bằng cuộc lột xác mọi mặt, từ thiết kế, công nghệ, động cơ. Civic mới như một chiếc coupe khi trần xe vuốt dốc, thêm các đường gân trên thân và nắp ca-pô khiến xe khoẻ khoắn và nam tính hơn. Rất hiếm gặp một khách hàng nữ ngồi sau tay lái Civic.
Các nhà thiết kế của Honda cũng làm tốt việc nhận diện thương hiệu, đặc biệt cụm đèn hậu dạng chữ C ôm thân rất dễ phát hiện trong đêm. Hệ thống đèn trên bản RS là full-LED. Kết hợp cùng cánh gió trên đuôi khiến Civic thể thao nhất trong lịch sử. Mẫu sedan cũng ngầm phân định rõ ràng, không chạy theo trào lưu unisex để phục vụ đa dạng đối tượng khách hàng như cách các đối thủ như Mazda3 hay Hyundai Accent đang làm. Nhưng rủi ro với thiết kế quá trẻ này là khách hàng trung niên có thể sẽ cân nhắc nhiều khi lựa chọn. Ở những thế hệ trước, Civic vẫn thuyết phục nhiều khách "có tuổi" bởi vẻ ngoài không quá ngông.
Để tạo sự mới mẻ trong cảm hứng vận hành, hãng xe Nhật áp dụng động cơ mới 1.5 tăng áp, 4 xi-lanh với công nghệ phun xăng trực tiếp trên đỉnh xi-lanh giúp tăng hiệu suất. Cỗ máy này cũng đi kèm công nghệ Earth Dream giúp giảm tiêu hao nhiên liệu. Honda vẫn luôn muốn những chiếc xe của mình gắn liền với hình ảnh tiết kiệm nhiên liệu, dù người dùng ưa xe chạy thể thao thì không quá quan tâm tới việc xe "uống" bao nhiêu xăng.
Công suất động cơ được thiết lập ở mức 170 mã lực ở vòng tua 5.500 vòng/phút, mô-men xoắn cực đại 220 Nm tại 1.700-5.500 vòng/phút. Đàn anh của Civic là Accord lắp động cơ 2.4 nhưng công suất cũng chỉ ở mức tương đương (175 mã lực) và lực kéo 225 Nm. Bộ tăng áp đã giải quyết vấn đề của động cơ dung tích nhỏ.
So với đời cũ, hai yếu tố quan trọng tạo nên khả năng vận hành của Civic là động cơ và hộp số đều được làm mới - động cơ turbo, hộp số CVT. Nhược điểm của máy tăng áp là độ trễ ở tua thấp, điều này được hộp số biến thiên vô cấp bù lại bởi xe không bị hẫng khi sang số. Nhưng đây cũng là thách thức cho Civic vì cả hai đều tốn chi phí, đẩy giá xe lên cao. Bên cạnh đó chi phí sử dụng cũng là trở ngại, khi phần đông khách hàng vẫn cho rằng tăng áp và dây đai của CVT sẽ xuất hiện nhiều vấn đề sau thời gian sử dụng, dù hãng khẳng định công nghệ sản xuất hiện nay đã loại bỏ những nhược điểm này.
Honda thật ra thiệt thòi khi bị đánh đồng với xe Nhật, đặc biệt là Toyota. Bởi, Civic là xe Nhật, nhưng khả năng vận hành thì như một phiên bản sinh ra tại châu Âu, không nhàm chán như người đồng hương. Bởi vậy, giới làm nghề mới nhận định Honda là BMW của châu Á.
Ngồi lên Civic, hạ sâu ghế lái là cách mô phỏng lái xe thể thao coupe. Vô-lăng nhẹ nhưng chính xác, không phải kiểu nhẹ bẫng nhưng không thật tay như Hyundai. Chân ga, phanh đều căng và cho khả năng đàn hồi tốt. Thân xe cũng cứng vững hơn thế hệ trước, có thể cảm nhận rõ bằng cách cho xe lăn bánh và các gờ đường và lắng nghe tiếng vọng. Đầm, chắc như những xe trên 1 tỷ.
Cái hay của động cơ tăng áp là phản ứng chân ga phù hợp với từng loại đường. Đi trong phố, chỉ cần động cơ nguyên bản 1.5 là đủ để xe chạy mượt mà, không sốc nếu đều ga ở vòng tua máy dưới 1.500 vòng/phút. Nhưng ra đường trường, bạn có thể căng chân lên 2.500 thậm chí 3.000 rồi hứng chí 4.000 vòng/phút hoặc cao hơn nữa ở những lần đạp lút cán, đây là lúc bộ tăng áp phát huy tác dụng. Xe tăng tốc ở ga giữa tốt hơn hẳn nước đầu, ga căng, hừng hực đúng DNA thể thao.
Trong phân khúc sedan cỡ C ở Việt Nam, ngoài Civic chỉ còn Focus là có thể tạo ra cá tính riêng trong vận hành. Trong khi Civic thể thao, Focus lại đầm chắc bậc nhất và vận hành linh hoạt không kém. Tuy vậy, Focus lại không thể so với Civic về độ rộng rãi của cabin. Những cái tên còn lại như Mazda3, Kia Cerato, Hyundai Elantra chủ yếu lấy khách bởi thiết kế hợp mắt, nhiều tiện nghi, chưa tạo dấu ấn riêng về cảm giác lái.
Với 929 triệu, ngoài động cơ tăng áp, hộp số CVT và một thiết kế thể thao thuần chất, Civic cũng nhiều tiện nghi và công nghệ không kém các đối thủ.
Nội thất có ghế bọc da, ghế lái chỉnh điện 8 hướng, cửa kính một chạm, màn hình cảm ứng 7 inch, kết nối Bluetooth, đàm thoại rảnh tay, Apple CarPlay, điều hòa tự động 2 vùng với cửa gió cho hàng ghế sau. Hỗ trợ tài xế có lẫy chuyển số trên vô-lăng, kiểm soát hành trình Cruise Control, phanh tay điện tử tích hợp tự động giữ phanh. Đặc biệt, chìa khóa thông minh tích hợp tính năng đề nổ từ xa là công nghệ hữu ích cho mùa hè.
Công nghệ an toàn của Civic có hỗ trợ đánh lái chủ động AHA, cân bằng điện tử, kiểm soát lực kéo, phanh ABS/BA/EBD, hỗ trợ khởi hành ngang dốc, camera lùi, 6 túi khí. Loạt hệ thống này tương đương chứ không nổi bật hẳn so với các đối thủ.
Trong khi Mazda3 bản cao nhất giá 750 triệu và Hyundai Elantra là 769 triệu, mức giá 929 triệu của Civic rõ ràng không thể mong có cuộc cạnh tranh sòng phẳng về mặt doanh số. Mẫu sedan của Honda có lượng khách hàng riêng, những người không quá đắn đo khi bỏ hơn 1 tỷ để lăn bánh mẫu xe cỡ C.
Đức Huy