Gia đình chị Nguyễn Thị Chức, ở xã Nghĩa An (TP Quảng Ngãi), từng là chủ một tàu đánh cá công suất lớn. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, nguồn hải sản không dồi dào khiến nhiều chuyến đi biển lỗ nặng, khoản nợ vay đóng tàu đến phải trả. Nợ nần chồng chất, gia đình chị bán tàu, nhà bị ngân hàng kê biên, cả gia đình phải ở nhờ nhà người quen. Chồng chuyển sang đi biển thuê cho người khác, còn chị Chức làm cá thuê ở bến cảng, thu nhập bấp bênh.
Giữa lúc muốn đổi nghề để thoát nợ nần, chị xem được livestream của bà Trần Thị Gái (ngụ cùng xã Nghĩa An) về tuyển lao động đi Hàn Quốc với lương mỗi tháng 50 triệu đồng. Người tham gia được "tư vấn" sẽ "đi theo diện visa E8, làm việc trong ngành nông nghiệp, thời gian đi 6 tháng và cần có người quốc tịch nước sở tại bảo lãnh".
Liên hệ với người livestream, chị Chức được hướng dẫn gặp bà Trần Thị Thủy là em ruột bà Gái để đóng tiền. Người phụ nữ 41 tuổi đã vay mượn khắp nơi để nộp cho bà Thủy với hy vọng hai vợ chồng được đi Hàn.
"Tiền nộp thành nhiều đợt, đóng lần một thì bị hối thúc lần hai", chị Chức nói. Sau khi nộp 35 triệu đồng, chị được bà Thuỷ gửi lại tờ giấy bằng tiếng nước ngoài và tiếp tục giục đóng tiếp 50 triệu đồng làm visa, giấy khám sức khỏe, mua vé máy bay. Sau nhiều lần chuyển, đến nay chị Chức đã nộp tổng cộng 100 triệu đồng cho bà Thủy.
Tương tự, năm ngoái, ông Lê Hoài Đức ở cùng xã đã hai lần đưa tổng cộng 50 triệu đồng cho bà Thủy với cam kết được hỗ trợ sang Hàn Quốc làm việc trong ngành nông nghiệp.
"Nộp tiền xong đợi mãi không thấy bà Thủy có động tĩnh gì để đưa đi Hàn như lời hứa", ông Đức nói. Lo lắng bị lừa, ông đã yêu cầu bà Thủy chuyển trả nhưng lại bị thoái thác. Sau đó, bà Thủy rời khỏi địa phương, chặn mọi liên lạc. Bức xúc, ông Đức, chị Chức làm đơn tố cáo đến cơ quan công an.
Bà Phạm Thị Công, Chủ tịch UBND xã Nghĩa An, cho biết có hơn 100 người làm đơn tố cáo bà Trần Thị Thủy nhận tiền với lời hứa đưa đi làm ở Hàn Quốc nhưng không thực hiện. Mỗi người nộp 15-50 triệu đồng, tổng số tiền khoảng 4 tỷ đồng.
Trong những người nộp tiền cho bà Thủy, một số trường hợp khó khăn, phải vay mượn. Chính quyền xã kiến nghị cơ quan chức năng điều tra, giải quyết vụ việc cho người dân trong thời gian sớm nhất.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Đối, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Quảng Ngãi, cho biết địa phương không có ký kết về xuất khẩu lao động ngắn hạn sang Hàn Quốc theo diện visa E8. Hiện, tỉnh chỉ triển khai các chương trình xuất khẩu lao động dài hạn.
Ông Nguyễn Như Tuấn, Phó phòng Thông tin - Tuyên truyền, Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc theo 4 chương trình. Trường hợp làm việc thời vụ theo diện visa E8 (5 tháng, có thể gia hạn thêm tối đa 3 tháng) và C4 (3 tháng), làm việc trong ngành nông nghiệp, thủy sản do hai địa phương của hai nước hợp tác trực tiếp hiện.
"Hiện chỉ có 14 tỉnh thực hiện chương trình này, lao động đi là người của chính tỉnh, thành thực hiện ký kết. Đầu mối thực hiện là sở lao động, doanh nghiệp không tham gia", ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, chương trình thu hút đông lao động nhất hiện nay là Cấp phép việc làm (EPS - visa E9). Chương trình này chỉ duy nhất một đơn vị được giao triển khai là Trung tâm Lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Chỉ tiêu tiếp nhận hàng năm 5.000-10.000 người, ngành nghề sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp và ngư nghiệp.
Người muốn tham gia chương trình đăng ký với sở lao động nơi mình cư trú, phải học và vượt qua được kỳ thi tiếng Hàn mới được doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn, ký hợp đồng. Chi phí xuất cảnh là 630 USD bao gồm vé máy bay một chiều từ Việt Nam sang Hàn Quốc. Thời gian làm việc 3 năm và có thể gia hạn tối đa 22 tháng.
Ngoài ra, có hai chương trình do doanh nghiệp được cấp phép thực hiện là Tiếp nhận lao động kỹ thuật (visa E7) dành cho lao động có trình độ từ đại học trở lên, thành thạo tiếng Hàn ở một số ngành công nghệ thông tin, sinh học, nano, điện tử...; và Thuyền viên tàu cá (visa E10). Tùy vào mức lương lao động nhận được mà doanh nghiệp được thu phí tương ứng.
Cũng theo ông Tuấn, Hàn Quốc là thị trường "khá hot" vì thu nhập hấp dẫn, môi trường làm việc tốt nên một số người đã lợi dụng, lừa tiền lao động với lời hứa "dễ đi, lương cao". "Để không mất tiền oan, người lao động có ý định sang Hàn Quốc phải chủ động tìm kiếm thông tin từ các nguồn chính thống", ông Tuấn nói.
Phó phòng Thông tin - Tuyên truyền, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết thêm chương trình đưa người sang Hàn Quốc làm việc đều được thông tin về tận xã. Người dân cần đến gặp trực tiếp cán bộ lao động xã, huyện, tỉnh để biết rõ thông tin. Ngoài ra, có thể gọi điện cho đường dây nóng hoặc truy cập vào trang web của Cục lao động ngoài nước để nắm thông tin, tránh qua "cò" mất tiền.
Phạm Linh - Lê Tuyết