Nhận định được Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) nêu trong báo cáo "Mức độ sẵn sàng và khó khăn của doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh". Kết quả này dựa trên khảo sát hơn 2.730 doanh nghiệp do Ban IV phối hợp với VnExpress thực hiện cuối năm ngoái.
Xét theo ngành, doanh nghiệp lĩnh vực nông, lâm thủy sản và công nghiệp đánh giá cần chuyển đổi xanh cao hơn ngành xây dựng, dịch vụ. Nhóm ngành đặc thù ghi nhận tỷ lệ cần xanh hóa cao, như dệt may (55,9%); công nghiệp chế biến, chế tạo (52,6%); khai khoáng (56,5%)... Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI đánh giá cần thiết phải giảm phát thải cao hơn so với khu vực trong nước, lần lượt là 55,2% và 48%.
Tuy vậy, khoảng 64% cho hay "chưa chuẩn bị gì" cho quá trình này. Trong số các doanh nghiệp tham gia khảo sát, chỉ 5,5% đã thực hiện các hoạt động giảm khí thải với một số hoạt động trọng tâm. Số theo dõi, công bố kết quả giảm phát thải mỗi năm ở mức 3,8%.
Theo Ban IV, việc các doanh nghiệp trong nước gần như chưa chuẩn bị gì cho giảm phát thải, chuyển đổi xanh sẽ tạo ra sức ép rất lớn trong tương lai. Việc này càng áp lực khi các quy định giảm phát thải về 0 tại châu Âu, Mỹ, cũng như Việt Nam hết thời gian chuyển tiếp và sang giai đoạn bắt buộc tuân thủ.
Thực tế, Mỹ, châu Âu - các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam - đều đưa ra quy định khắt khe về giảm phát thải carbon với hàng nhập khẩu. Chẳng hạn, Mỹ đang thảo luận dự thảo Đạo luật Phí ô nhiễm nước ngoài (Foreign Pollution Fee Act – FPFA), áp thuế lên hàng hóa nhập vào nước này có cường độ carbon cao hơn so với sản phẩm nội địa. Hay Chỉ thị báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp (Corporate Sustainability Reporting Directive – CSRD) của EU, theo đánh giá của hãng tư vấn PwC, tác động mạnh tới doanh nghiệp Việt khi phần lớn họ nằm trong chuỗi giá trị của các công ty hoạt động tại châu Âu.
Việt Nam cũng cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào 2050 tại Hội nghị COP26. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tới 2030 được ban hành, đưa ra các yêu cầu với doanh nghiệp trong chuyển đổi sản xuất.
Thiếu thông tin là rào cản khi doanh nghiệp chuyển đổi xanh. Khảo sát cho thấy 97% doanh nghiệp ngành giấy chưa biết họ buộc phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, dù chính sách này đã có 2 năm. Ngay cả đơn vị có quy mô lớn nhất trong mảng sản xuất dây cáp điện ở Việt Nam cũng chưa biết mình buộc phải kiểm kê nhà kính. Họ cũng chưa biết cần làm gì, thực hiện công việc này thế nào.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng khó tiếp cận vốn xanh. Theo báo cáo, 62,7% công ty có doanh thu 1.000 – 1.500 tỷ gặp khó về vốn cho giảm phát thải, chuyển đổi xanh. Doanh nghiệp nội địa khó khăn vốn hơn khu vực FDI, trong đó tỷ lệ tại các đơn vị ngành công nghiệp và nông - lâm thủy sản lần lượt 53,7% và 52,9%.
Tính đến cuối 2023, các ngân hàng cho vay gần 621.000 tỷ đồng tín dụng xanh, chiếm 4,5% tổng dư nợ nền kinh tế. Vốn xanh hiện chủ yếu rót vào các lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (gần 45%) và nông. nghiệp xanh (30%).
Tại phiên đối thoại chính sách hôm 25/9, Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết Bộ này sắp trình Thủ tướng về lập quỹ hỗ trợ đầu tư. Đây sẽ là nguồn lực doanh nghiệp trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt chuyển đổi xanh, nhóm nghiên cứu của Ban IV đề xuất Việt Nam cần thúc đẩy nhanh các chương trình nâng cao năng lực, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thích nghi với cuộc chơi mới. Các chính sách mới cần tập trung vào tài chính xanh, nhân lực, thị trường tín chỉ carbon và chuyển đổi công nghệ - năng lượng.
Về phía doanh nghiệp, họ kiến nghị có cơ chế ưu đãi thuế, tín dụng xanh để giảm chi phí, khắc phục khó khăn về vốn khi chuyển đổi. Doanh nghiệp cũng cần hỗ trợ kiến thức của các bên tư vấn về cách thức thiết lập chiến lược, xây dựng lộ trình chuyển đổi theo hướng xanh, bền vững.
Bảo An