Tới khi tôi thấy không thể chịu đựng được việc chung sống và quyết định ly dị là lúc tình cờ biết đến một kiểu nhân cách: người tự luyến. Tất cả thắc mắc trong cuộc hôn nhân của tôi đã có câu trả lời.
Trong hơn 10 năm hôn nhân, anh chưa từng nói xin lỗi. Tôi luôn là người xin lỗi để giải tỏa không khí gia đình, anh sẽ giữ im lặng và tỏ thái độ hậm hực cho tới khi tôi nhận lỗi. Nếu lỗi của anh rõ như ban ngày, anh cũng không xin lỗi mà cho là do tôi nên anh mới làm sai, mới cáu. Hoặc nếu không thể đổ lỗi cho tôi thì anh sẽ đổ lỗi cho hoàn cảnh và có một câu nói lặp lại cả trăm lần: "Anh không có lựa chọn nào khác". Anh luôn đặt ra "tiêu chuẩn kép": cùng một sự việc hay hoàn cảnh nhưng áp dụng khác nhau giữa anh và tôi. Tiền của anh là tiền của anh, tiền của tôi là tiền của chung. Từ khi lấy anh, tôi chỉ biết anh đưa tiền đi chợ và phải cực kỳ tiết kiệm; còn anh có bao nhiêu tiền, tiêu ra sao, cho bên nội và bạn bè như nào không phải chuyện của tôi. Khi tôi nghỉ làm chăm hai con nhỏ, tôi là kẻ vô dụng trong mắt anh. Lúc tôi đi làm lại, anh bảo tiền của tôi kiếm được có công sức trong đó vì anh phụ trông con. Phụ nữ chăm con và gia đình là đương nhiên, còn đàn ông chăm con và đi chợ là làm người hầu kẻ hạ cho vợ con.
Khi biết không thể lay chuyển ý định ly hôn của tôi, anh đòi tôi bồi thường thanh xuân vì đã đi làm cho gia đình. Từ khi lấy nhau, anh vẫn làm một công ty và cũng không hề thăng tiến. Khi công ty điều chuyển anh sang một địa điểm làm việc xa nhà, tôi cũng nghỉ công việc đã được biên chế để đi theo anh, mong cả nhà được ở cùng nhau. Sau đó tôi làm việc ngoài biên chế nhà nước, thu nhập từ thấp rồi đến cao hơn anh. Bố mẹ anh đến chơi là để nghỉ ngơi, mẹ tôi đến nhà là để chăm cháu. Khi hai con đã lớn, 4 tuổi và 7 tuổi, công việc của tôi bận hơn và công việc của anh có điều kiện để chăm con hơn sau giờ con tan học. Do tôi không chấp nhận việc tiền của anh là tiền của anh, tiền của tôi là tiền của chung, anh bảo sẽ chỉ trông con nửa tuần. Để duy trì công việc, tôi đành nhờ mẹ đẻ trông con sau giờ học. Anh bảo: "Con không nhờ bà trông cháu", mẹ tôi bảo không nhờ thì bà về nhà bà. Anh nói rằng bà nên bàn với con gái, nếu con gái nghỉ làm trông con được thì bà hẵng về. Điều anh làm được luôn vĩ đại, còn tôi không làm được gì. Cuộc sống gia đình chỉ ở mức đủ ăn đủ mặc, ngoài ra con cái chưa được đi học các kỹ năng và đi du lịch cũng hiếm hoi.
Anh luôn tự hào đã lo cho gia đình rất tốt, các con có cuộc sống tốt hơn nhiều so với các em bé sống ở vùng sâu vùng xa không có thức ăn, quần áo ấm và giầy dép; vợ chồng tôi cũng hơn khối đôi vợ chồng tàn tật. Anh gửi cho tôi link các hoàn cảnh éo le nhất Việt Nam để thấy họ nghèo vậy mà sống vẫn đầy tình cảm. Tôi hoặc con sẽ luôn là nguyên nhân của một điều gì đó không tốt với anh. Đổ tội cho con nhỏ thì vô lý nên tôi thường là nguyên nhân của mọi chuyện. Ví dụ, anh không phải là người quảng giao và xuất sắc trong công việc nên không thể thăng tiến. Tôi không bao giờ trách móc điều đó vì mỗi người có khả năng khác nhau, còn anh lại trách tôi là người vợ không biết vun vén, tạo cơ hội cho chồng giao lưu trong công việc. Khi tôi có quan điểm khác anh, anh sẽ quy chụp rằng tôi quá nhạy cảm nên suy diễn, lập dị, suy nghĩ khác người, bảo thủ, vì thế nên mới xù lông nhím, có vấn đề về thần kinh, chứ anh chẳng bao giờ có vấn đề với ai trừ tôi.
Tôi hỏi anh hãy dẫn chứng những điều đã nói ở trên, anh bỏ chạy bằng cách nói rằng không thừa thời gian để nói ba chuyện vô nghĩa với tôi. Khi nhất quyết ly hôn vì sức chịu đựng đã đến giới hạn, tôi còn bị chụp mũ thêm những điều như là phá hoại gia đình, để xem tương lai của tôi có gì tốt đẹp, rồi tôi đã lừa dối anh để có ngày hôm nay (tôi ra đi không có bất cứ tài sản nào ngoài hai con).
Kinh nghiệm rút ra từ cuộc hôn nhân đã giúp tôi đánh hơi từ xa những người tự luyến, những người không bao giờ sai, những người luôn tỏ ra tốt đẹp bên ngoài nhưng đổ vỡ bên trong nên đổ lỗi cho người khác để cảm thấy mạnh mẽ hơn, những người luôn dùng tiêu chuẩn kép trong mối quan hệ nên sẽ không bao giờ có thứ gọi là công bằng, những người mà trí thông minh bình thường nhưng trí tuệ và cảm xúc bị mắc kẹt ở tuổi lên năm nên họ không có khả năng cảm nhận cảm xúc của người khác. Tôi hy vọng chia sẻ của mình có thể giúp một số chị em đang sống với người chồng nhìn bên ngoài ổn nhưng mình lại thấy cô đơn và kiệt sức.
Vân
Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc