Mỹ đã điều tra tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc vì tình nghi vi phạm các lệnh trừng phạt thương mại quốc tế từ ít nhất năm 2007, khi các đặc vụ FBI thẩm vấn người sáng lập công ty ở New York về các hoạt động của Huawei tại Iran, theo South China Morning Post.
Tên của người sáng lập kể trên được giữ kín trong bản cáo trạng đệ trình hôm 28/1 tại Mỹ và chỉ xuất hiện với danh xưng "Cá nhân-1". Người này lúc bấy giờ cho biết Huawei tuân thủ hoàn toàn luật xuất khẩu của Mỹ và không giao dịch trực tiếp với bất kỳ công ty Iran nào.
Huawei được thành lập năm 1987 bởi Nhậm Chính Phi, người đã đưa công ty đi lên trở thành nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ hai toàn cầu với doanh thu năm 2018 ước đạt 125 tỷ USD.
Cuộc thẩm vấn của Huawei với FBI hồi tháng 7/2007 cho thấy các quan chức thực thi pháp luật Mỹ đã nghi ngờ công ty thực hiện những hoạt động phi pháp ở Iran từ ít nhất thời kỳ của tổng thống George W. Bush.
Buổi thẩm vấn trên diễn ra 5 năm trước khi Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ cáo buộc các nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc, bao gồm Huawei và ZTE Corp, đe dọa an ninh quốc gia Mỹ và sản phẩm của họ có thể được chính phủ Trung Quốc dùng để do thám cũng như đánh cắp dữ liệu. Huawei một mực phủ nhận cáo buộc.
Ngoài Huawei, những cái tên khác xuất hiện trong bản cáo trạng dài 25 trang còn có Huawei Device USA và Skycom Tech Co cùng Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính Huawei, con gái nhà sáng lập Nhậm Chính Phi. Họ bị cáo buộc 13 tội danh, trong đó có gian lận tài chính, rửa tiền, âm mưu lừa gạt chính phủ Mỹ, cản trở công lý và vi phạm Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế khi giao dịch với Iran. Huawei tiếp tục phủ nhận các cáo buộc.
Sau cuộc thẩm vấn giữa FBI với nhà sáng lập, các nhân viên Huawei đã liên tục xuyên tạc về mối quan hệ giữa tập đoàn với Skycom, một công ty đăng ký ở Hong Kong, được cho là chi nhánh của Huawei tại Iran. Sự kiểm soát trực tiếp này bị cấm theo Quy định về Giao dịch và Cấm vận Iran.
Theo cáo trạng, Huawei đã tìm cách che giấu mối quan hệ kể trên thông qua hàng loạt động thái chuyển nhượng cổ phần liên quan tới hai công ty con chưa được tiết lộ tên. Điều này giúp Huawei tuyên bố rằng Skycom chỉ là một đối tác kinh doanh ở Iran.
Theo các lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ, không hàng hóa, công nghệ hay dịch vụ nào được phép xuất khẩu sang Iran từ Mỹ hay từ một người Mỹ mà không có giấy phép. Washington cho rằng Skycom đã thuê ít nhất một công dân Mỹ, được xác định trong cáo trạng là "Nhân viên 1". Người này cung cấp dịch vụ viễn thông cho Iran từ năm 2008 đến 2014 mà không xin phép.
Từ năm 2010, Huawei cũng đã lừa dối hàng loạt tổ chức tài chính và ngân hàng tại Mỹ khi che giấu mối quan hệ với Skycom. Kết quả là một ngân hàng, được ghi trong cáo trạng là "Chi nhánh 1 của Mỹ", đã thông qua các giao dịch trị giá 100 triệu USD cho Skycom.
Tháng 9/2012, một phó chủ tịch Huawei làm chứng trước quốc hội Mỹ, khẳng định hoạt động kinh doanh của công ty không vi phạm bất kỳ lệnh trừng phạt nào. Một thủ quỹ của Huawei vài ngày sau nói với lãnh đạo một ngân hàng Mỹ rằng công ty và kể cả các chi nhánh quốc tế đều không phạm luật.
Nhưng vài tháng sau, Reuters đăng một bản tin cho biết Huawei sở hữu và điều hành Skycom, công ty đang cố bán hàng hóa bị cấm vận có nguồn gốc từ Mỹ sang Iran, vi phạm rõ ràng lệnh trừng phạt.
Phản ứng trước thông tin của Reuters, Huawei gọi Skycom là "một trong những đối tác địa phương lớn", đồng thời nhấn mạnh "công việc kinh doanh của Huawei ở Iran tuân thủ mọi điều luật và quy định hiện hành".
Gần đây nhất, việc giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu bị bắt và truy tố đánh dấu ít nhất 10 năm Washington theo đuổi cuộc điều tra nhắm tới tập đoàn viễn thông Trung Quốc.
Trở lại năm 2012, các bản tin khi đó về việc Huawei bị cáo buộc có liên hệ với Iran xuất hiện đúng lúc tập đoàn này đang đẩy mạnh mở rộng trên trường quốc tế thông qua việc tăng cường đầu tư tại châu Âu, thành lập một trung tâm nghiên cứu, phát triển ở Phần Lan và xây dựng ban giám đốc cùng hội đồng tư vấn địa phương ở Pháp và Anh.
Tháng 1/2013, Reuters đăng một bản tin nói Mạnh, người giữ chức giám đốc tài chính Huawei từ năm 2010, có liên quan tới Skycom. Một lần nữa, Huawei khẳng định họ "tuân thủ đầy đủ" luật hiện hành.
Bà Mạnh hiện được tại ngoại ở Vancouver, Canada, trong lúc chờ phiên điều trần ngày 6/2 về quyết định dẫn độ sang Mỹ.
Vài tháng sau khi Reuters đưa tin, Mạnh đã yêu cầu gặp trực tiếp giám đốc của "Tổ chức Tài chính 1", một trong những nạn nhân bị liên đới vì giúp Skycom tiến hành các giao dịch trị giá hàng triệu USD.
Trong cuộc gặp diễn ra vào tháng 8/2013, Mạnh dùng một bản thuyết trình PowerPoint để giải thích rằng việc bà tham gia ban điều hành Skycom từ tháng 2/2008 đến tháng 4/2009 là nhằm giúp Huawei "hiểu rõ hơn kết quả tài chính cũng như năng lực kinh doanh, đồng thời tăng cường và theo dõi sự tuân thủ của Skycom".
Đầu năm 2014, Mạnh đến New York, hạ cánh tại sân bay quốc tế John F Kennedy, nơi nhà chức trách Mỹ đã tiến hành kiểm tra một file văn bản lấy từ thiết bị điện tử bà mang theo. File này chứa một số nội dung liên quan tới Iran và Skycom.
Khoảng năm 2017, "Tổ chức Tài chính 1" chấm dứt liên hệ ngân hàng với Huawei vì lo sợ rủi ro và thông báo rằng đây là quyết định đơn phương từ phía họ. Huawei sau đó tiếp tục nỗ lực củng cố mối quan hệ với những ngân hàng khác nhưng khẳng định họ mới là bên chấm dứt quan hệ với "Tổ chức Tài chính 1" vì không hài lòng với chất lượng dịch vụ.
Cùng khoảng thời gian này, Mỹ cáo buộc Huawei đã biết về cuộc điều tra hình sự của Mỹ nhằm vào họ và cố tình chuyển các nhân chứng có hiểu biết liên quan tới những mối làm ăn ở Iran trở về Trung Quốc. Công ty còn được cho là tìm cách phá hủy và che giấu chứng cứ về hoạt động kinh doanh.