Người nhà kiểm tra thấy chân tay anh lạnh duỗi cứng, hôn mê, đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên cấp cứu. Ngày 4/1 bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, trong tình trạng hôn mê sâu, thở máy, nhiễm toan chuyển hóa, suy thận, tiêu cơ vân nặng, do ngộ độc rượu.
Các bác sĩ hồi sức, lọc máu, bệnh nhân không có dấu hiệu hồi phục, gia đình xin đưa về nhà ngày 6/1, tử vong.
Đây là một trong nhiều bệnh nhân tổn thương nặng do uống quá nhiều rượu mà Trung tâm Chống độc tiếp nhận gần đây.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, cho biết ngày nào cũng tiếp nhận 2-3 ca ngộ độc rượu, trong đó có cả ngộ độc ethanol (rượu thường) và methanol (rượu cồn công nghiệp). Cận Tết và Tết, số bệnh nhân ngộ độc rượu nhập viện tăng cao gấp nhiều lần.
"Không phải chỉ có người uống phải rượu giả pha cồn công nghiệp (methanol) mới ngộ độc, mà rượu thông thường cũng gây ngộ độc nặng do uống quá nhiều, khi uống không ăn, dẫn đến hạ đường huyết, tổn thương não nặng", bác sĩ Nguyên nói.
Bác sĩ Nguyên cho biết nhiều người uống rượu nhiều đến mức khi đến viện xét nghiệm nồng độ ethanol lên đến 500 mg/dl. Uống quá nhiều rượu khiến thần kinh ức chế, dễ rơi vào hôn mê sâu, ngừng thở, thiếu oxy, tổn thương não, ngừng tim.
Uống rượu tạo cảm giác no giả nên người uống không ăn, ngủ, bỏ bữa dẫn đến hạ đường huyết, hôn mê lúc nào không biết.
"Ethanol trực tiếp gây hạ đường huyết, uống rượu mà không ăn thì chỉ số đường huyết càng giảm, thậm chí bằng 0, không còn năng lượng nữa. Những người gầy yếu, thể trạng kém rất dễ bị hạ đường huyết", bác sĩ Nguyên nói.
Bác sĩ Nguyên khuyến cáo hạn chế uống rượu bia, khi uống phải bổ sung năng lượng cho cơ thể, ăn thêm cơm, cháo, uống nước đường, hoa quả, sữa....
Người sau uống rượu có các dấu hiệu như trả lời hạn chế, không thể đi lại được, không tỉnh, lơ mơ, thở khò khè, ứ đọng đờm dãi, lờ đờ chậm chạm, nôn ọe, đau đầu nhiều... có thể bị ngộ độc hoặc bệnh lý khác như đột quỵ, cần đưa ngay đến bệnh viện.