Một tháng trước, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol vẫn cố gắng trau dồi kỹ năng đánh golf của mình, hy vọng có thể được chơi vài trận với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và mở ra khởi đầu tốt đẹp cho mối quan hệ cá nhân giữa họ.
Washington là đồng minh an ninh thân cận nhất của Seoul, nhưng ông Trump lại khiến họ không khỏi lo lắng khi luôn đặt câu hỏi về việc tại sao Mỹ phải chi tiền để bảo vệ những quốc gia xa xôi như Hàn Quốc.
Giờ đây, Tổng thống Yoon đang phải đấu tranh cho sinh mệnh chính trị của mình, bất chấp lời kêu gọi từ chức và đối mặt với cuộc bỏ phiếu luận tội lần thứ hai vào cuối tuần này liên quan đến việc ông ban bố thiết quân luật hôm 3/12.
Hỗn loạn chính trị ở Hàn Quốc, trùng với thời điểm chuyển giao quyền lực ở Mỹ cho một tổng thống luôn thận trọng trước các hiệp ước quốc phòng, đã làm dấy lên lo ngại về những tác động tiêu cực đối với liên minh, vốn đóng vai trò trung tâm trong việc kiềm chế Triều Tiên và đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Đông Bắc Á.
"Khi ông Trump lên nắm quyền, Hàn Quốc cần một lãnh đạo đủ bản lĩnh và uy tín để đối phó với một tổng thống Mỹ từng không ít lần tỏ ra hoài nghi về lực lượng Mỹ triển khai tại Hàn Quốc", Michael Green, cựu giám đốc cấp cao phụ trách các vấn đề châu Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời tổng thống George W. Bush, nhận xét. "Tổng thống Yoon có thể là người như vậy, nhưng ông ấy lại đang phải đấu tranh cho sự nghiệp chính trị của mình. Có lẽ một chút rắc rối sắp xảy ra".
Khả năng ông Yoon bị luận tội ngày càng cao khi 7 nghị sĩ từ đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) cầm quyền nói rằng họ sẽ ủng hộ nỗ lực của phe đối lập. Chỉ cần 8 nghị sĩ PPP làm như vậy, nghị quyết luận tội Tổng thống sẽ được quốc hội thông qua và ông Yoon sẽ lập tức bị tước bỏ quyền lực.
Tổng thống Yoon cũng có nguy cơ bị bắt và bị buộc tội nổi loạn vì quyết định ban bố thiết quân luật, ra lệnh điều binh sĩ vào quốc hội để cố gắng ngăn chặn các nghị sĩ lật ngược sắc lệnh của ông, hành động bị coi như một âm mưu đảo chính ở Hàn Quốc.
Phản đối từ quốc hội và cơn giận dữ bùng nổ dữ dội trong công chúng đã khiến Tổng thống Yoon phải rút lại lệnh thiết quân luật chỉ sau 6 tiếng ban bố.
Nhiều cuộc điều tra đang được tiến hành đồng thời và các công tố viên đã tuyên bố họ sẽ không ngần ngại phát lệnh bắt khẩn cấp ông nếu tìm thấy đủ bằng chứng. Tổng thống Hàn Quốc được quyền miễn tố khi đang tại nhiệm, nhưng không áp dụng với cáo buộc nổi loạn hoặc phản quốc.
Tổng thống Yoon đã không còn thực hiện bất kỳ công vụ nào kể từ buổi sáng sau khi lệnh thiết quân luật bị thu hồi. Ông chỉ phát biểu trước toàn quốc hai lần, một lần khá ngắn gọn hôm 7/12 để xin lỗi công chúng trước cuộc bỏ phiếu luận tội đầu tiên và một lần hôm 12/12 để giải thích về hành động của mình.
Ông bị Thủ tướng và lãnh đạo đảng PPP cầm quyền gạt ra ngoài lề. Họ thay mặt ông tiếp quản các nhiệm vụ hàng ngày của tổng thống, dù không rõ điều này có hợp hiến hay không. Bộ Quốc phòng trong khi đó cho biết Tổng thống Yoon vẫn là tổng tư lệnh của quốc gia.
Kết quả là Seoul ngày càng sa lầy trong một cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ. Không ai biết ai sẽ là người chịu trách nhiệm chính dẫn dắt đất nước và trong bao lâu, tạo ra những khoảng trống quyền lực nguy hiểm.
Điều này là một thách thức lớn, có thể gây bất ổn cho ngoại giao cũng như các vấn đề đối ngoại quốc gia khi Hàn Quốc bắt đầu lên kế hoạch cho những thay đổi chính sách ở Mỹ trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump.
"Chúng ta đang gặp rắc rối thực sự, thực sự nghiêm trọng", Choi Jong-kun, giáo sư tại Đại học Yonsei của Hàn Quốc, người từng giữ chức thứ trưởng ngoại giao dưới thời tổng thống Moon Jae-in, nhận xét. "Những người bạn ở Washington sẽ không muốn nói chuyện với các quan chức chính phủ cấp cao của chúng ta vào lúc này. Bạn có muốn thảo luận với một người bị cáo buộc đã tham gia vào âm mưu đảo chính không?".
Thực tế trên có thể khiến Seoul yếu thế hơn so với Washington và làm ảnh hưởng đến khả năng phản ứng nhanh chóng của Hàn Quốc trước những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại hoặc thương mại từ phía Mỹ.
Ông Trump trước đây liên tục đề xuất rằng Seoul nên trả số tiền lớn cho khoảng 30.000 lính Mỹ đồn trú tại nước này.
"Tổng thống Trump sẽ ra tay ngay trong ngày nhậm chức 20/1/2025. Lính Mỹ có thể được lệnh rút khỏi Hàn Quốc và Đức và ông ấy sẽ áp thuế 10% lên các đồng minh", Victor Cha, chủ tịch chương trình Hàn Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), trụ sở tại Washington, bình luận. "Lãnh đạo các nước sẽ tìm cách gặp mặt ông Trump để bàn thảo thỏa thuận của riêng họ, nhưng Hàn Quốc hiện không có người lãnh đạo thực tế và quan hệ liên minh chắc chắn sẽ chịu bất lợi đáng kể".
Lệnh thiết quân luật hồi đầu tháng của Tổng thống Yoon đã làm cả đất nước Hàn Quốc cũng như đồng minh Mỹ sửng sốt. Ngoại trưởng Antony Blinken đã bày tỏ "quan ngại sâu sắc" một ngày sau khi Tổng thống Yoon ban bố thiết quân luật, đồng thời ngụ ý rằng lãnh đạo Hàn Quốc đã đi chệch ra khỏi những kỳ vọng của liên minh Mỹ - Hàn.
"Việc Tổng thống Yoon khiến Washington bất ngờ chính là vấn đề", Green nói, thêm rằng tình trạng hỗn loạn hiện nay đặt ra câu hỏi liệu Seoul đã sẵn sàng cho các tình huống khẩn cấp hay chưa. "Bất ổn trong chính phủ Hàn Quốc là rủi ro vì Triều Tiên có thể coi đó là cơ hội".
Green cho hay nguy cơ thậm chí còn cao hơn nữa nếu Triều Tiên thực sự quyết định tận dụng cơ hội. Đến nay, Bình Nhưỡng mới chỉ phản ứng ở mức vừa phải thông qua các bình luận công khai.
Hôm 11/12, Triều Tiên chế giễu nỗ lực thiết quân luật của Tổng thống Yoon là "điên rồ".
Tình trạng tê liệt chính trị có vẻ sẽ không sớm kết thúc.
Nếu nỗ lực luận tội lần hai của phe đối lập tại quốc hội thất bại, Tổng thống Yoon vẫn tại vị nhưng thế bế tắc trên chính trường Hàn Quốc không thể được giải quyết khi mọi quyết định điều hành của ông nhiều khả năng sẽ bị quốc hội do liên minh các đảng đối lập kiểm soát chặn lại.
Nếu quốc hội Hàn Quốc cuối tuần này thông qua quyết định luận tội Tổng thống Yoon, nó sẽ khởi động một quá trình kéo dài nhiều tháng, trong đó Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc sẽ quyết định có chấp thuận quyết định luận tội hay không. Nếu Tòa án Hiến pháp phê chuẩn động thái luận tội, Tổng thống sẽ bị phế truất và cuộc bầu cử người lãnh đạo tiếp theo phải được tổ chức trong vòng 60 ngày.
Các công tố viên cũng đang cân nhắc liệu có nên bắt Tổng thống Yoon hay không. Điều này sẽ khiến ông trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Hàn Quốc đối mặt nguy cơ bị bắt. Trong trường hợp đó, về mặt kỹ thuật, ông vẫn sẽ giữ được quyền lực, nhưng phải điều hành công việc nhà nước từ phòng giam.
"Kịch bản tệ nhất là Tổng thống Yoon không bị luận tội mà bị bắt", Lami Kim, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á - Thái Bình Dương Daniel K. Inouye ở Honolulu, Hawaii, nhận định. "Ông ấy vẫn duy trì quyền lực tổng thống, vẫn là tổng tư lệnh. Ông ấy có thể điều động quân đội và vẫn là người đứng đầu nhà nước về mặt ngoại giao. Vậy trong trường hợp như vậy, Washington nên nói chuyện với ai? Đó sẽ là một tình huống thực sự gây tổn hại cho liên minh".
Nhưng một số người khác cho rằng bộ máy chính phủ Hàn Quốc có thể vượt qua được cơn hỗn loạn.
"Tôi nghĩ mọi người đang hơi suy nghĩ thái quá về những tác động bên ngoài Hàn Quốc. Theo tôi, Seoul hoàn toàn có khả năng xử lý loại biến động chính trị này", Henry Haggard, cựu cố vấn chính trị tại đại sứ quán Mỹ ở Seoul, cho hay.
Hàn Quốc không xa lạ với những thay đổi đột ngột và mạnh mẽ trong giới lãnh đạo, cũng như tình trạng bất ổn chính trị. Tham nhũng và các vụ bê bối lạm dụng quyền lực từ lâu đã trở nên quen thuộc trong nền chính trị Hàn Quốc và khiến nhiều tổng thống ngã ngựa.
"Hàn Quốc không có nhiều liên minh. Họ chỉ có một liên minh và đó là với Mỹ. Tôi tin tưởng 100% rằng nó vững chắc và an toàn", Haggard nhấn mạnh.
Nhưng còn một mối quan hệ khác có thể bị ảnh hưởng bởi những rắc rối chính trị của Tổng thống Yoon.
Từ khi lên nắm quyền, ông đã ưu tiên nỗ lực cải thiện quan hệ với Nhật Bản. Động thái này của Tổng thống Yoon là chìa khóa để thực hiện mong muốn của Mỹ là thúc đẩy hợp tác giữa hai đồng minh thân cận nhất ở Đông Bắc Á, biến nó thành công cụ răn đe Trung Quốc và Triều Tiên.
Việc thúc đẩy Hàn Quốc - Nhật Bản cải thiện quan hệ được cho là một thành tựu chính sách đối ngoại nổi bật của Tổng thống Joe Biden. Tổng thống Yoon được coi là niềm hy vọng lớn nhất với chính quyền Biden để di sản này được duy trì.
Nhưng hy vọng của Tổng thống Biden có thể tan biến nếu Tổng thống Yoon mất chức và một người kế nhiệm theo chủ nghĩa tự do lên nắm quyền tại Hàn Quốc, người không mặn mà hợp tác với Tokyo và không muốn Seoul quá phụ thuộc vào Washington.
Theo Benjamin Thompson, giáo sư khoa học chính trị và ngoại giao tại Đại học Quốc gia Kyungpook ở Daegu, Mỹ đang trông cậy vào Tổng thống Yoon để thực hiện kế hoạch cải thiện quan hệ với Nhật Bản và tạo ra một liên minh khu vực đối trọng với Trung Quốc.
"Kế hoạch đó sẽ bị trì hoãn", ông nói. "Chính quyền Biden trong những ngày cuối cùng sẽ không thể thực hiện tham vọng của mình".
Vũ Hoàng (Theo Washington Post, AFP, Reuters)