Từ nửa cuối năm 2023, Australia ban hành một loạt chính sách mới nhằm siết nhập cư, trong đó có những sinh viên quốc tế lợi dụng du học để vào Australia làm việc.
Dữ liệu thống kê từ Bộ Nội vụ cho thấy khoảng 19% du học sinh không được cấp thị thực trong thời gian này, cao nhất trong ba năm qua. Nếu diễn biến này tiếp tục, số sinh viên quốc tế được cấp thị thực du học Australia trong năm học 2023-2024 dự kiến ở mức hơn 91.000 người, giảm khoảng 15% so với năm trước, theo ICEF Monitor, trang thông tin về giáo dục quốc tế.
Trước đó, tỷ lệ từ chối chỉ ở mức 10% vào năm học 2018-2019; 8,5% vào năm 2021-2022 khi Australia mở cửa lại biên giới sau Covid-19 và 14% năm học 2022-2023.
Mặc dù tỷ lệ cấp thị thực vào Australia thấp hơn trong những tháng gần đây, theo Công ty tư vấn du học IDP, tỷ lệ visa được cấp cho học sinh, sinh viên Việt Nam vẫn tương đối cao.
Dữ liệu của chính phủ Australia cho thấy trong 6 tháng, tính đến cuối tháng 12/2023, tỷ lệ cấp visa trung bình với học sinh, sinh viên Việt Nam đạt trên 84%. Riêng với bậc đại học và sau đại học, con số này là 93%. Tỷ lệ sinh viên Ấn Độ và Pakistan được cấp thị thực là 68% và 52%, với du học sinh Trung Quốc là 91%.
Bà Lù Thị Hồng Nhâm, Giám đốc công ty tư vấn du học Đức Anh, cho rằng tỷ lệ đậu visa cao hơn mức trung bình là do phần lớn du học sinh Việt Nam có ý định du học nghiêm túc, hồ sơ học tập và tài chính minh bạch. Ngoài ra, trường mà các em nộp đơn đều uy tín.
"Khách hàng của công ty (chúng tôi) không bị ảnh hưởng bởi các chính sách siết visa", bà nói.
Ông Nguyễn Nhựt Hưng, Quản lý tuyển sinh ở Việt Nam của Đại học Công nghệ Sydney (UTS), cũng nhận định nhìn chung với du học sinh Việt Nam, "tỷ lệ visa được cấp tương đối an toàn".
Tỷ lệ đậu visa của du học sinh Việt Nam tại UTS trên 98%. Trong kỳ nhập học tháng 2 vừa qua, chỉ ba bộ hồ sơ bị từ chối. Năm trước, số này cũng "không đáng kể", theo ông Hưng. Lý do là UTS tuyển học sinh giỏi từ trường chuyên ở thành phố lớn nên hồ sơ đã được lọc từ đầu.
Đại diện UTS cho biết những hồ sơ nộp visa không thành công thường vì hai nguyên nhân: thiếu trung thực hoặc khai báo thời gian học không rõ ràng, liền mạch. Chẳng hạn, ứng viên có khoảng trống trong thời gian học hoặc từng bị từ chối ở nước khác nhưng khi nộp vào Australia lại cố tình giấu.
"Nếu là gap year (tạm dừng học), du học sinh cần có bằng chứng rõ ràng rằng nghỉ học để làm dự án hay học thêm chứng chỉ nào đó, thay vì chỉ ở nhà chơi 1-2 năm rồi đi học trở lại", ông Hưng phân tích.
Theo hai chuyên gia, chính sách siết thị thực của Australia chủ yếu ảnh hưởng tới nhóm du học sinh có "hồ sơ đuối". Bà Nhâm nói những hồ sơ thuộc diện này thường có kết quả học tập không đủ thuyết phục, lộ trình học tại Australia và tài chính không minh bạch, yếu, hoặc không chứng minh được mục đích học tập, chọn trường thiếu uy tín.
Chiến lược nhập cư được Australia công bố hồi tháng 12/2023 nêu kế hoạch giảm một nửa lượng người nhập cư trong hai năm tới. Người nộp đơn xin thị thực du học sẽ cần đạt IELTS 6.0 thay vì 5.5 như trước. Người xin thị thực sau đại học sẽ cần đạt IELTS 6.5 thay vì 6.0. Đơn xin thị thực lần hai của sinh viên nhằm kéo dài thời gian lưu trú sẽ bị giám sát chặt hơn...
Ngoài ra, du học sinh phải làm bài kiểm tra mới có tên The Genuine Student Test (Bài kiểm tra sinh viên chân chính - GST), thay thế cho bản tường trình nhập cảnh tạm thời (GTE) cũ, nhằm đảm bảo thị thực được sử dụng cho mục đích học tập.
Australia hiện là một trong những điểm đến du học được ưa chuộng nhất, sau Mỹ và Canada. Theo thống kê của Bộ Giáo dục Australia, tính đến tháng 10 năm ngoái, nước này có khoảng 768.000 sinh viên quốc tế, đông nhất là Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal. Việt Nam có hơn 31.000 du học sinh, xếp thứ 6.
Bình Minh