- Tập trung vào thực hành ESG mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp, đặc biệt đối với các doanh nghiệp niêm yết?
- ESG là cụm từ viết tắt bởi E-Environmental (Môi trường); S-Social (Xã hội) và G-Governance (Quản trị doanh nghiệp), được một số tổ chức dựa vào để đánh giá sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, là cơ sở cho việc lựa chọn của các nhà đầu tư tài chính, đối tác kinh doanh.
ESG ngày càng được ưu tiên đưa vào tiêu chí xem xét đầu tư của các nhà đầu tư trên toàn cầu, đặc biệt là dòng vốn từ Châu Âu và các nước phát triển. Vì vậy, doanh nghiệp có thực hành và báo cáo ESG tốt sẽ có nhiều lợi ích hơn trong việc tiếp cận các nguồn vốn. Những nhà đầu tư tập trung vào giá trị bền vững sẽ xem xét những yếu tố về môi trường, xã hội và quản trị để đưa vào đánh giá rủi ro, tính toán các chỉ số về lợi nhuận tài chính trong trung và dài hạn. Việc thực hành tốt ESG của từng doanh nghiệp khi trở thành một làn sóng sẽ góp phần vào tạo dựng hình ảnh thị trường Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư ngoại.
Thực hành ESG có giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận hay không phụ thuộc vào năng lực và thực hành của doanh nghiệp. Ví dụ như một doanh nghiệp dệt may thì chi phí sản xuất rất lớn đến từ tiêu thụ năng lượng cho quá trình dệt nhuộm. Nếu doanh nghiệp có thể tối ưu hóa được lượng nhiên liệu sử dụng thì cũng chính là tiết kiệm được một lượng lớn chi phí sản xuất. Nhìn chung, chúng ta không nên hiểu rằng ESG là một khía cạnh tách rời để doanh nghiệp phải bổ sung nguồn lực "tập trung vào thực hành", mà ESG bản chất là một hệ thống các yếu tố được lồng ghép xuyên suốt nhuần nhuyễn vào tầm nhìn, chiến lược, định hướng, văn hóa và các hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Trong ESG, đâu là yếu tố quan trọng nhất, môi trường, xã hội hay quản trị doanh nghiệp?
Ba chữ E, S, G gắn liền với nhau và tạo thành một "thuật ngữ" mới là có lý do của nó. Các yếu tố đều có vai trò riêng góp phần vào sự phát triển bền vững toàn diện của doanh nghiệp và cuối cùng là sự bền vững của toàn xã hội. Mặc dù vậy, vẫn có sự giao thoa, tương tác giữa các yếu tố. Cụ thể như là, nếu doanh nghiệp có hệ thống quản trị tốt, ban lãnh đạo có chiến lược và tầm nhìn dài hạn sẽ kéo theo đầu tư vào việc giảm thiểu tác động xấu tới môi trường cũng như nâng cao chất lượng đời sống cho người lao động.
- Theo ông, thực trạng thực hiện ESG của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay như thế nào?
Theo Báo cáo "Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022" do PwC và VIOD thực hiện, chỉ 28% doanh nghiệp có các chỉ số rủi ro tổng hợp để giám sát tiến trình triển khai ESG, 35% doanh nghiệp chưa có bất kỳ sáng kiến hay thực hành nào liên quan đến ESG và 71% doanh nghiệp cho biết chưa trang bị đủ kiến thức về các dữ liệu cần thiết để báo cáo ESG. Như vậy chúng ta có thể thấy việc thực hành ESG ở Việt Nam vẫn còn ở những bước khá sơ khai và việc tập trung vào xây dựng kiến thức cũng như năng lực trong thời gian tới là hết sức cần thiết.
- Vậy, đâu là những thách thức khiến các doanh nghiệp gặp trở ngại trong việc thực hành ESG?
- Trở ngại ban đầu có thể là do định nghĩa mới về ESG, nhiều doanh nghiệp e ngại rằng họ chưa hiểu rõ và chưa đủ năng lực để thực hành. Thế nhưng trên thực tế, thực hành ESG không phải là điều hoàn toàn xa lạ, rất nhiều doanh nghiệp sau khi hiểu rõ về ESG nhận thấy họ đã áp dụng ESG vào trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, chỉ là chưa có tính hệ thống và toàn diện. Vậy nên, doanh nghiệp không nhất thiết phải hình thành những chiến lược hoàn toàn mới và đầu tư nguồn lực thực hiện từ đầu, mà có thể tổng hợp lại những hoạt động mình đã làm, xem xét những khía cạnh làm tốt để phát huy và những mặt cần cải thiện, đồng thời hình thành một chiến lược có tính hệ thống hơn để việc thực hành sau này sẽ được kiểm soát và đo lường chính xác hơn.
- Còn việc áp dụng thực hành ESG tại VinaCapital ra sao?
- Chúng tôi luôn thực hành đầu tư có trách nhiệm từ những ngày đầu. Bởi vậy, ESG ở nhiều cấp bậc đã luôn được lồng ghép vào trong những quyết định đầu tư của chúng tôi. Để chuẩn hóa quy trình, gần đây, chúng tôi đã hoàn thiện bộ công cụ đánh giá ESG do VinaCapital phát triển dựa trên các tiêu chí thực hành tốt nhất trên thế giới và được cụ thể hóa để phù hợp với điều kiện và môi trường tại Việt Nam.
Mỗi giai đoạn cụ thể như nghiên cứu và sàng lọc doanh nghiệp, ra quyết định đầu tư và hậu đầu tư chúng tôi đều tích hợp những cân nhắc liên quan đến ESG. Ví dụ, chúng tôi chấm điểm ESG cho các doanh nghiệp và kết quả này sẽ được đưa vào cân nhắc trong quyết định đầu tư và sử dụng trong quá trình đồng hành cùng doanh nghiệp.
- Và ESG ảnh hưởng như thế nào đến các quyết định đầu tư của VinaCapital?
- VinaCapital luôn ý thức rõ ràng về những thách thức của quá trình đầu tư tại các thị trường mới nổi như Việt Nam, và tác động của những thách thức này đến các khoản đầu tư do chúng tôi thực hiện. Do đó, chúng tôi không kết luận điểm ESG thấp là lý do để không đầu tư vào một doanh nghiệp, nếu ban lãnh đạo doanh nghiệp ý thức được tầm quan trọng của việc quản trị các rủi ro liên quan đến ESG đối với khả năng phát triển dài hạn và bền vững của công ty, hoặc ban lãnh đạo doanh nghiệp cam kết đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả quản trị ESG. Với quyết định đầu tư vào những doanh nghiệp này, chúng tôi muốn khích lệ và hỗ trợ ban lãnh đạo doanh nghiệp tạo dựng thêm giá trị thặng dư bền vững thông qua việc củng cố hiệu quả của ESG. Đó cũng chính là những cơ hội mà chúng tôi nhận thấy ở các doanh nghiệp này.
- Những nỗ lực nào VinaCapital đã và đang thực hiện để nâng cao nhận thức về ESG cho các doanh nghiệp Việt Nam?
- Chúng tôi luôn tăng cường tương tác với các doanh nghiệp và truyền tải thông điệp rằng chúng tôi thực hành đầu tư có trách nhiệm. Theo đó, chúng tôi đánh giá cao các doanh nghiệp có nỗ lực trong việc thực hành tốt ESG và nếu doanh nghiệp cần, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ trong phạm vi hợp lý để giúp doanh nghiệp định hướng chiến lược và thiện hiện tốt hơn.
VinaCapital đã gửi văn bản tới hầu hết các doanh nghiệp trong danh mục đầu tư của mình với những khuyến nghị cụ thể về việc khuyến khích họ đẩy mạnh việc lập kế hoạch, chiến lược và triển khai thực hành ESG.
Ngoài ra, VinaCapital cũng luôn tích cực phối hợp với các tổ chức hàng đầu trong nước và quốc tế để nâng cao nhận thực và năng lực thực hành ESG cho Việt Nam. Chúng tôi cũng tham gia vào các hoạt động trong câu lạc bộ các nhà đầu tư tại Việt Nam trong việc thúc đẩy, chia sẻ, kết nối, hỗ trợ nâng cao từ hiểu biết tới thực hành về ESG cho các doanh nghiệp và các đối tác có liên quan khác.
Hoàng Phương