Dự án Bầu cử Mỹ của Đại học Florida hôm 26/10 cho biết tỷ lệ cử tri bỏ phiếu sớm tăng cao ở các bang chiến trường gồm Florida, Georgia và Bắc Carolina, với con số lần lượt là 62,8%, 66,1% và 66,5%.
Bỏ phiếu sớm trực tiếp vốn mới mẻ với một số bang, bao gồm New York, nơi mới tiếp nhận phiếu bầu sớm đầu tiên cuối tuần qua. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở Mỹ đã khiến người dân nhanh chóng đi bỏ phiếu bầu tổng thống do lo ngại tụ tập đông người vào ngày bầu cử 3/11.
Tại các điểm bỏ phiếu ở thành phố New York, người dân đã xếp hàng dài quanh các khu phố để chờ được bỏ phiếu sớm, khiến giới chức bầu cử dường như "choáng ngợp".
"Bây giờ chúng tôi đang gặp vấn đề. Hội đồng Bầu cử rõ ràng chưa chuẩn bị cho việc rất nhiều cử tri sẽ đi bỏ phiếu sớm như vậy. Chúng ta cần điều chỉnh ngay lập tức vì việc xếp hàng dài khiến mọi người muốn về nhà", Thị trưởng New York Bill de Blasio cho biết.
Theo Dự án Bầu cử Mỹ, tính đến trưa 26/10, chỉ sau hai ngày bỏ phiếu sớm, tổng phiếu bầu ở New York đã chiếm 5,4% số phiếu toàn bang năm 2016. Texas, "thành trì" của đảng Cộng hòa, nơi Trump luôn dẫn trước Biden trong các cuộc thăm dò ý kiến, là một trong những bang đầu tiên cho phép bỏ phiếu sớm, đã thu về số phiếu chiếm 81,9% tổng số phiếu năm 2016.
Việc người Mỹ đổ xô đi bỏ phiếu sớm khiến các chuyên gia dự đoán cuộc bầu cử năm nay sẽ thu hút khoảng 150 triệu người đi bầu, mức cao chưa từng thấy, chiếm 65% cử tri hợp lệ, tỷ lệ cao nhất trong hơn 100 năm qua.
Đảng Dân chủ vẫn tiếp tục giữ ưu thế trong bỏ phiếu sớm, song đảng Cộng hòa đang dần thu hẹp khoảng cách này. Những người ủng hộ đảng Cộng hòa cũng thường rất thích bỏ phiếu trực tiếp vào ngày bầu cử.
Cuộc đua vào Nhà Trắng đã bước vào chặng cuối cùng và hai ứng viên Trump - Biden đã kết thúc buổi tranh luận cuối cùng để thể hiện lập trường riêng của mình tới các cử tri.
Hai ứng viên đang tận dụng những ngày cuối cùng của chiến dịch tranh cử để lôi kéo cử tri tại các bang chiến trường quan trọng và thể hiện các lập trường chính sách của mình.
Ngọc Ánh (Theo SCMP)