Trong số này, 14 dự án được trao chứng nhận đầu tư tổng vốn 17.000 tỷ đồng và 10 dự án đang nghiên cứu đầu tư, tổng vốn 37.000 tỷ đồng thuộc các lĩnh vực phát triển đô thị, khu dân cư - thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Danh, Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang, thông tin trong tương lai địa phương tập trung phát triển trung tâm kinh tế biển tại huyện Gò Công Đông - Tân Phú Đông và vùng sinh thái công nghiệp huyện Tân Phước. Tỉnh cũng quy hoạch trục đô thị ven sông Tiền để phát triển du lịch.
Ngoài ra, các hành lang kinh tế theo tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, quốc lộ 1, đường bộ ven biển và quốc lộ 50 cũng được khai thác triệt để nhằm kết nối đô thị - công nghiệp với Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo ông Danh, địa phương sẽ huy động tối đa nguồn lực tham gia phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là thu hút đầu tư vào các công trình hạ tầng kinh tế - kỹ thuật. Tỉnh sẽ xây dựng môi trường thực sự năng động, nâng cao mức độ hài lòng của doanh nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh các doanh nghiệp chọn Tiền Giang là điểm đến đầu tư. "Tinh thần là phải ba cùng, cùng lắng nghe thấu hiểu, cùng chia sẻ tầm nhìn, hành động và cùng chiến thắng - phát triển", Thủ tướng nhấn mạnh.
Tiền Giang rộng hơn 2.500 km2, dân số trên 1,7 triệu người, là địa phương kết nối các tỉnh miền Tây đi Long An, TP HCM.
Nhiệm kỳ 2015-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh bình quân 7,3% mỗi năm, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 58,6 triệu đồng, tăng 22,5 triệu đồng so với năm 2015. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu tăng 32%, đứng 2/13 các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tiền Giang đặt mục tiêu đến năm 2030 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, có các vùng động lực, trung tâm kinh tế về công nghiệp, du lịch, kinh tế biển và đô thị; tăng trưởng kinh tế bình quân ở giai đoạn này dự kiến 7-8% mỗi năm...
Hoàng Nam