Tại hội nghị tổng kết năm 2022 chiều 5/1, ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), cho biết việc loại bỏ các đầu máy, toa xe căn cứ theo quy định niên hạn phương tiện đường sắt. Số này chiếm khoảng 30% tổng số thiết bị hiện có.
Theo lãnh đạo VNR, việc đầu tư mua sắm mới sẽ gây áp lực về tài chính cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay, chi phí mất khoảng 8.000 tỷ đồng. "Nếu không xin được cơ chế cho phép tiếp tục sử dụng số toa xe cũ thì VNR sẽ thiếu hụt hàng trăm đầu máy, toa xe phục vụ người dân", ông Mạnh nói.
Theo Tổng giám đốc VNR, một số nước lân cận không quy định niên hạn đầu máy, toa xe hoặc chỉ áp dụng với một số thiết bị của đoàn tàu. Vì vậy, ngành đang kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cho phép tiếp tục sử dụng các toa xe cũ và chịu trách nhiệm về sự an toàn của thiết bị cho đến khi Luật Đường sắt được sửa đổi.
Ngoài ra, ông Mạnh đề xuất thời gian đăng kiểm các đầu máy, toa xe cũ có thể rút ngắn hơn quy định hiện nay để đảm bảo an toàn phương tiện.
Việc loại bỏ đầu máy, toa xe hết niên hạn được thực hiện theo Nghị định 65/2018. Cụ thể, đầu máy và toa tàu khách có niên hạn sử dụng tối đa 40 năm, toa hàng tối đa 45 năm.
Năm 2022, VNR đạt doanh thu cao, giảm lỗ sâu so với kế hoạch. Sau nhiều năm thua lỗ, mảng vận tải đường sắt đã bắt đầu có lãi. VNR đạt tổng doanh thu hợp nhất hơn 7.718 tỷ đồng (tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước), lỗ sau thuế 130 tỷ đồng (vượt 75% so với cùng kỳ).
Vận tải hàng hóa năm qua đạt hơn 5,7 triệu tấn, vận tải hành khách đạt hơn 4,5 triệu lượt. Doanh thu vận tải đạt hơn 3.702 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ năm trước.