Nội dung được CEP đưa ra tại lễ ký kết phối hợp phòng, chống "tín dụng đen" với công đoàn các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp và An Giang, sáng 6/7. Chương trình thực hiện trong bối cảnh việc làm, thu nhập lao động giảm, nhu cầu vay vốn tăng cao.
Ông Nguyễn Tấn Đạt, Phó tổng giám đốc CEP, cho biết số tiền sẽ được giải ngân trong thời gian 5 năm 2023-2028. Nhóm được vay là công nhân làm việc ở nhà máy, hộ lao động nghèo cần vốn, xét vay dựa vào hợp đồng lao động. Ngoài ra còn có các gói vay tạo việc làm thêm, sửa nhà, học nghề, đầu tư hộ kinh doanh. Trường hợp vay khẩn cấp lúc đau ốm đột xuất, CEP sẽ giải quyết trong 24 giờ.
Công nhân được vay tối đa 50 triệu đồng, lãi suất 0,4-0,65% mỗi tháng, tương đương 4,8-7,8% mỗi năm, thấp hơn lãi ngân hàng (10-25% mỗi năm cho vay tín chấp). Người lao động sẽ trả gốc, lãi theo tháng. Lao động muốn vay có thể liên hệ công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp hoặc cán bộ tín dụng CEP tại nơi ở.
Phó bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Hồ Hải nói tình hình thế giới biến động ảnh hưởng xuất nhập khẩu và sản xuất của thành phố. Điều này khiến đời sống lao động gặp nhiều khó khăn. CEP và các đơn vị ký kết cần nhanh chóng triển khai chương trình giúp vốn vay đến kịp thời để công nhân không tìm đến "tín dụng đen".
CEP do Liên đoàn Lao động TP HCM lập năm 1991. Hơn 30 năm qua, tổ chức này cho 5,1 triệu lượt công nhân nghèo vay vốn lãi suất thấp để làm ăn, cải thiện thu nhập, giảm tệ nạn xã hội, nhất là tín dụng đen trong công nhân.
Lê Tuyết