Ngày 20/8, khu vực sạt lở ở quốc lộ 91, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú có dấu hiệu lan rộng. Mặt đường nhựa bị nước sông Hậu "nuốt" gần 100 m. Vị trí sạt lở nghiêm trọng nhất ăn vào sát mép sân, nhà của người dân. Nhiều mảng nhựa đường lớn bị tách rời, nghiêng ngả và có thể đổ ập xuống nước bất cứ lúc nào.
Dẫn đầu đoàn công tác thị sát hiện trường, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đánh giá tình trạng sạt lở nguy hiểm khả năng tiếp tục xảy ra. Ông yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương làm dự án đường tránh dài 5 km qua khu vực này vào cuối tháng 9 (kinh phí khoảng 250 tỷ đồng).
Phó thủ tướng Thường trực cũng đồng ý với đề nghị của tỉnh An Giang là, sau khi tuyến đường tránh được hoàn thành sẽ bàn giao đoạn quốc lộ 91 đang bị sạt lở cho địa phương quản lý để khắc phục. Ông đề nghị tỉnh An Giang phối hợp các bộ ngành lập dự án, tìm phương án xử lý hiệu quả, báo cáo Thủ tướng phê duyệt. Theo đề xuất ban đầu, kinh phí khắc phục sạt lở tại khu vực này khoảng 160 tỷ đồng.
Sạt lở ở quốc lộ 91 diễn ra từ ngày 27/7, khi xuất hiện vết nứt nguy hiểm dài trên 50 m. Năm ngày sau, khu vực này bị sạt lở 85 m, ăn sâu vào đất liền 20 m. Nguyên nhân được xác định do địa hình đáy sông có lạch áp sát bờ, tác động dòng chảy tạo hàm ếch. Tại vị trí sạt cách bờ 70 m có hố xoáy sâu 25 m, dài 160 m, rộng 30-50 m, dốc đứng. Ngoài ra còn do tác động của tải trọng tàu thuyền qua lại quá lớn.
Giải pháp khẩn cấp được đưa ra là ổn định đường bờ, gia cố mái ta luy bằng bao tải cát với định mức 23 bao mỗi m2. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông An Giang làm chủ đầu tư với kinh phí khoảng 25 tỷ đồng. Chiều hai hôm trước, 90% khối lượng công trình hoàn tất, cao hơn mặt sông Hậu khoảng một mét thì bất ngờ bị nước cuốn trôi.
Ông Phù Mỹ Luông, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng thương mại dịch vụ Mỹ Luông (đơn vị thi công), khẳng định thực hiện đúng thiết kế của đơn vị tư vấn và chỉ đạo của chủ đầu tư. Kinh phí do công ty tự bỏ ra trước.
Theo ông Nguyễn Văn Du, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh An Giang, đối với công trình xử lý cấp bách sự cố thiên tai, đơn vị đã thực hiện giải pháp vừa thiết kế, vừa chỉ dẫn kỹ thuật. Phương án này được các sở ngành chuyên môn có liên quan (giao thông vận tải, tài nguyên môi trường, nông nghiệp, xây dựng...) tham gia góp ý và được UBND tỉnh thông qua. "Việc triển khai biện pháp vừa qua nhằm giữ lại phần nền đường bờ quốc lộ 91 nhưng không giữ được", ông Du nói.
Công trình hiện bị dừng thi công để tư vấn giám sát khảo sát địa hình, địa chất trên phạm vi rộng xem hố xoáy, chuyển dịch lạch sâu của dòng chảy; kiểm tra địa chất khu vực. Sau đó tư vấn giám sát sẽ có cuộc họp báo cáo với các ngành liên quan, UBND tỉnh xác định nguyên nhân và đưa ra giải pháp hiệu quả nhất...
Về kinh phí, ông Dư xác nhận đơn vị thi công tự ứng trước để thực hiện và chủ đầu tư biết qua quyết định tạm ứng ngân sách 24 tỷ đồng của UBND tỉnh. Quy trình, thủ tục rất nghiêm ngặt...
Dài 142 km, quốc lộ 91 nối TP Cần Thơ đến cửa khẩu Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Đây là một trong những tuyến đường huyết mạch của An Giang và các địa phương lân cận cũng như giao thương với Campuchia. Hiện, các xe được phân luồng đi qua tuyến tránh, cách hai đầu sạt lở 2-3 km.
Cửu Long