Số ca nhiễm mới tại Hà Nội xu hướng tăng sau Tết, gần đây là 3.500-4.500, trước đó khoảng 2.000 ca một ngày. Số bệnh nặng, nguy kịch một tuần qua tăng gần 250 trường hợp. Sở Y tế điều chỉnh phân tầng quản lý, điều trị F0 là tùy theo mức độ lâm sàng, mức độ nguy cơ của người bệnh. Đây là lần thứ 7 điều chỉnh phân luồng tiếp nhận, điều trị người bệnh Covid-19 của ngành y tế thành phố.
Tầng ba: Bệnh nhân Covid-19 mức độ nặng, nguy kịch hoặc trong tình trạng cần hồi sức tích cực tại các bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Thanh Nhàn, Hà Đông, Xanh Pôn, Sơn Tây và Đống Đa; bệnh viện tầng hai có giường hồi sức tích cực và các bệnh viện trung ương, bộ, ngành.
Tầng hai: Bệnh nhân Covid-19 mức độ trung bình hoặc có triệu chứng, tuổi từ 65 trở lên, mắc bệnh lý nền không ổn định và chưa tiêm đủ liều vaccine, hoặc người bệnh mắc các bệnh lý có triệu chứng cấp tính cần điều trị nội trú hoặc can thiệp chuyên khoa.
Tầng một: Người mắc bệnh lý nền ổn định hoặc không ổn định nhưng chưa cần nhập viện, chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ hai mũi vaccine điều trị tại cơ sở thu dung, điều trị Covid-19. Bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đủ điều kiện quản lý, cách ly, điều trị tại nhà.
Trước đó, tầng hai dành cho F0 ở mức độ nguy cơ cao (như mắc bệnh lý nền có triệu chứng đợt cấp; phụ nữ mang thai, vừa sinh con dưới 42 ngày, trẻ em dưới 3 tháng tuổi và F0 có SpO2 từ 90 đến 96%). Còn tầng một tiếp nhận F0 có nguy cơ thấp hoặc trung bình, điều trị tại cơ sở thu dung điều trị của thành phố.
Trong hướng dẫn mới, Sở Y tế Hà Nội cũng phân tầng điều trị đối với trẻ em mắc Covid-19. Cụ thể, điều trị tại nhà (tầng một) đối với trẻ trên ba tháng tuổi; tại cơ sở thu dung quận, huyện đối với trẻ không đủ điều kiện điều trị tại nhà; tại bệnh viện đa khoa có giường bệnh điều trị nhi khoa đối với trẻ có bệnh nền không ổn định hoặc thể trạng béo phì, trẻ dưới hoặc bằng 3 tháng tuổi.
Trẻ triệu chứng mức độ trung bình điều trị ở tầng hai là các bệnh viện đa khoa có khoa nhi; bệnh viện trung ương, bộ, ngành. Trẻ nặng điều trị tại các bệnh viện tầng ba gồm Thanh Nhàn, Hà Đông, Đức Giang, Xanh Pôn và Sơn Tây; bệnh viện trung ương, bộ, ngành.
Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo người dân khi có một trong các biểu hiện như sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác, hoặc mất khứu giác, liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã để được hướng dẫn và làm xét nghiệm, nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc Covid-19. Người dân có thể liên hệ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội qua số điện thoại 0969.082.115 hoặc 0949.396.115, để được tư vấn.
Theo thống kê Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), tính đến ngày 18/2, Hà Nội đang điều trị hơn 161.000 F0 tại nhà; hơn 4.300 F0 tại bệnh viện, 810 bệnh nhân nặng và nguy kịch. Trong số nặng nguy kịch có 705 ca thở oxy mask và kính (tăng 27,9% so với trung bình 7 ngày trước), 46 ca thở máy không xâm lấn (tăng 120% so với trung bình 7 ngày trước), 19 ca thở HFNC, 36 ca thở máy xâm lấn, hai lọc máu, một can thiệp ECMO.
Thùy An