Lúc 21h30 ngày 4/10, vợ chồng anh Giàng Minh Xá và Sồng Thị Say, thường trú xã Sủng Thài, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang, đưa con nhỏ đến chốt kiểm soát Covid-19 tại đèo Lò Xo, đặt ở đường Hồ Chí Minh qua huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Bước xuống ôtô, Xá ăn vội bánh mì rồi bồng con để vợ uống hộp sữa.
Một năm trước vợ chồng Xá rời quê vào huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, làm công nhân chế biến gỗ. Đến tháng 6/2021, dịch bùng phát, xưởng đóng cửa. Nhiều người thân của Xá chạy xe máy về quê, nhưng anh không có phương tiện đành ở lại, xe khách thì dừng hoạt động. "Việc làm không có, nguồn tiền tích trữ cho ba miệng ăn ngày một cạn kiệt", Xá nói.
10h ngày 2/10, đoàn của Xá gồm 11 người bắt đầu đi bộ. Đến sáng hôm sau, vượt qua khoảng 60 km, Xá đến tỉnh Bình Phước. Tại chốt kiểm soát dịch, đoàn của Xá gặp nhiều người đi bộ khác, chủ yếu ở tỉnh Hà Giang, Điện Biên, Lào Cai. Họ nhập thành đoàn lớn và được lực lượng chức năng địa phương chở ôtô qua địa phận, bàn giao cho tỉnh Đăk Nông.
Sau nhiều lần trung chuyển, đoàn với 386 người về đến đèo Lò Xo, tỉnh Quảng Nam.
Thiếu tá Trần Xuân Thai, Phó đội trưởng cảnh sát giao thông huyện Phước Sơn, cho biết từ ngày 1 đến 5/10, chốt đón khoảng 5.000 người từ các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch. Nếu đoàn đi xe máy, địa phương sẽ dẫn đường; đi bộ sẽ chở bằng ôtô.
Tiếp tục hành trình, Xá được ôtô chở qua Quảng Nam đến Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế và đến chốt kiểm soát Covid-19 trên quốc lộ 1A ở xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, vào trưa 5/10. Tại chốt, những người này được yêu cầu ngồi trên xe, nhận cơm, nước uống, sữa. Sau đó, xe khách của tỉnh Quảng Bình tới đón, chở họ ra Hà Tĩnh.
Chung đoàn xe về quê với vợ chồng Xá - Say, anh Giàng A Hòa, trú xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, kể bốn tháng trước rời quê vào huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, làm công nhân chế biến gỗ. Anh làm được hai tháng thì dịch bệnh bùng phát.
"Tôi chỉ còn một triệu đồng đóng tiền phòng trọ hai tháng và dư ra được mấy chục nghìn đồng", Hòa nói và cho hay chỉ có cách về quê bằng đi bộ khi xe máy không có, dù không biết được khoảng cách là bao xa và mất bao ngày đường.
Ngày 2/10, Hòa cùng 6 người cùng cảnh đi bộ về quê. Sau quãng đường 20 km, họ được lực lượng phản ứng nhanh huyện Phú Giáo dùng xe bán tải đưa đến chốt kiểm soát giáp ranh giữa Bình Dương và Bình Phước.
Tại đây, đoàn của Hòa nhập với đoàn đi bộ khác rồi được tỉnh Bình Phước chở qua địa phương, bàn giao cho tỉnh Đăk Nông. Quá trình di chuyển đến mỗi chốt, cùng với nhiều người đi bộ khác tập trung về đây, họ được tỉnh bố trí ôtô. "Hành trình về Điện Biên còn dài, tôi mong được hỗ trợ, trường hợp không có xe chở thì tiếp tục đi bộ", Hòa nói.
Những ngày qua, sau khi TP HCM và một số tỉnh phía Nam nới lỏng giãn cách xã hội, hàng nghìn người dân đi xe máy về quê, theo đường Hồ Chí Minh qua các tỉnh Tây Nguyên và quốc lộ 1A qua miền Trung.
Ngày 5/10, cảnh sát giao thông tỉnh Đồng Nai đã dẫn 14.000 người về quê, Thừa Thiên Huế lập trạm dừng chân ở đường tránh TP Huế để hỗ trợ người đi xe máy về quê. Trong 2 ngày qua, nhiều tỉnh miền Trung mưa to khiến hành trình về quê thêm gian nan.
Ở đầu mỗi tỉnh, những người về quê dừng lại tại các chốt kiểm soát để khai báo y tế, nhận thực phẩm, xăng miễn phí, nghỉ ngơi ít phút trước khi tiếp tục hành trình. Cảnh sát giao thông mỗi tỉnh có nhiệm vụ dẫn đoàn, hỗ trợ về y tế và trung chuyển phương tiện hư hỏng cho người dân.
Đắc Thành - Hoàng Táo