Thông tin nêu trong công văn Ban Quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông Vận tải) vừa gửi UBND TP HCM để lấy ý kiến, sau khi phối hợp nhà đầu tư hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Công trình do liên danh nhà đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII) và Công ty cổ phần Tasco đề xuất triển khai.
Trục cao tốc được nghiên cứu đầu tư mở rộng trên tổng chiều dài 91 km, điểm đầu ở nút giao Chợ Đệm, TP HCM; điểm cuối tại nút giao An Thái Trung, Tiền Giang. Trong đó, đoạn TP HCM - Trung Lương dự kiến nâng cấp lên 8 làn xe, hai làn dừng khẩn cấp và đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận mở rộng lên 6 làn xe, hai làn dừng khẩn cấp. Các nút giao, cầu, cống, hệ thống giao thông thông minh, thu phí, cũng được tính toán đầu tư đồng bộ.
Dự án có tổng mức đầu tư gần 32.300 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), không sử dụng ngân sách. Công trình dự kiến triển khai giai đoạn 2024-2028. Khi hoàn thành, nhà đầu tư sẽ thu phí hoàn vốn trong khoảng 17 năm 4 tháng.
Cao tốc TP HCM - Trung Lương hiện có 4 làn xe, hai làn dừng khẩn cấp, bắt đầu khai thác từ 14 năm trước. Từ năm 2019, tuyến đường dừng thu phí, lưu lượng ôtô tăng mạnh khiến tình trạng ùn tắc, tai nạn xảy ra thường xuyên. Nối với tuyến này, đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận dù mới đưa vào sử dụng cách đây hai năm với quy mô 4 làn xe, nhưng chưa có làn dừng khẩn cấp nên bộc lộ nhiều hạn chế, từng xảy ra nhiều vụ tai nạn.
Cùng với đầu tư mở rộng trục chính cao tốc, liên danh nhà đầu tư cho rằng việc mở rộng hai đường nối phía TP HCM gồm Tân Tạo - Chợ Đệm và Bình Thuận - Chợ Đệm là cần thiết, phù hợp với quy hoạch. Đây là hai tuyến đường đô thị đang được TP HCM quản lý nên nhà đầu tư đề xuất thành phố nghiên cứu đầu tư nâng cấp bằng nguồn vốn phù hợp.
Cao tốc TP HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận là trục huyết mạch nối thành phố về Đồng bằng sông Cửu Long, giúp rút ngắn thời gian đến Mỹ Thuận còn khoảng 1 giờ 45 phút so hơn 3 giờ nếu đi quốc lộ 1.
Gia Minh