TAND TP HCM dự kiến ngày 27/11 xét xử Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm, 43 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79) về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo Điều 355 BLHS 2015, khung hình phạt 20 năm đến chung thân.
Ngoài cáo buộc là đồng phạm với Vũ Nhôm, ông Trần Phương Bình (59 tuổi, nguyên Tổng giám đốc, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đông Á - DAB) cùng 24 người khác còn bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 BLHS 1999) và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 285, BLHS 1999).
Phiên xử do thẩm phán Phạm Lương Toản (Chánh tòa Hình sự TAND TP HCM) làm chủ tọa, dự kiến kéo dài đến ngày 25/12. Để phục vụ cho công tác xét xử, tòa triệu tập nguyên đơn dân sự là Ngân hàng Đông Á cùng 27 tổ chức, 306 cá nhân với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng.
Vũ Nhôm lấy tiền của DAB mua cổ phần DAB
Công ty Bắc Nam 79 được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2009 với vốn điều lệ 700 tỷ đồng, sở hữu 50 triệu cổ phần (10%) DAB, do Phan Văn Anh Vũ làm Chủ tịch HĐQT.
Theo cáo trạng, năm 2013 DAB bị thua lỗ kéo dài, thiếu hụt số lượng lớn tiền, vàng trong kho quỹ. Ông Bình ra chủ trương tăng vốn điều lệ từ 5.000 lên 6.000 tỷ đồng để thu hút đầu tư, có tiền xử lý khó khăn, nâng cao vị thế.
Năm 2014, ông Bình thống nhất bán cho Vũ Nhôm 60 triệu cổ phần DAB với giá 600 tỷ đồng để lãnh đạo Công ty Bắc Nam 79 trở thành cổ đông lớn, nắm quyền chi phối DAB.
Để có tiền nộp cho DAB, Vũ Nhôm thế chấp 220 lô đất tại Khu phức hợp đô thị, thương mại, dịch vụ cao tầng Harbour Ville (Đà Nẵng) cho nhà băng này. 200 tỷ còn lại, Vũ được ông Bình chỉ đạo cấp dưới xuất quỹ của DAB chuyển vào tài khoản Công ty Bắc Nam 79, sau đó Vũ ký khống chứng từ nộp 200 tỷ vào DAB.
DAB sau đó tăng vốn điều lệ không thành công nên chuyển trả cho Công ty Bắc Nam 79 số tiền gốc 600 tỷ đồng và hơn 9,5 tỷ tiền lãi. Nhận được tiền, công ty của Vũ Nhôm mua 50 triệu cổ phần DAB của 4 cổ đông hiện hữu (cổ đông đứng tên sở hữu cổ phần hộ ông Bình) với giá 500 tỷ đồng.
VKS xác định, Vũ Nhôm chỉ nộp 400 tỷ đồng, nhưng nhận lại 600 tỷ và hơn 9,5 tỷ tiền lãi - tức chiếm đoạt của DAB tổng cộng 203 tỷ đồng.
Cáo trạng còn thể hiện, từ tháng 10/2012-3/2015, ông Bình chỉ đạo nguyên thủ quỹ hội sở DAB xuất quỹ chi hơn 294 tỷ đồng để mua 13,9 triệu USD, trong đó có 13,4 triệu USD là mua giúp Vũ Nhôm. Số tiền này Vũ Nhôm chưa trả lại cho DAB.
Ông Trần Phương Bình khiến DAB thiệt hại hơn 3.600 tỷ đồng
Ngoài việc giúp Vũ nhôm chiếm đoạt hơn 203 tỷ đồng của DAB, ông Bình còn bị cho là chỉ đạo cấp dưới gây hàng loạt sai phạm khiến nhà băng thiệt hại 3.608 tỷ. Đây là nguyên nhân chính khiến DAB lỗ lũy kế hơn 31.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 25.000 tỷ và tổng tài sản thực chỉ còn hơn 47.000 tỷ.
Nhà chức trách định, từ năm 2007 đến 2014, để có tiền mua cổ phần của DAB, ông Bình chỉ đạo cấp dưới lập hàng loạt phiếu thu khống hơn 1.160 tỷ đồng, mua 74 triệu cổ phần DAB đứng tên ông và người thân.
Trong đó, ông Cao Ngọc Liên (cha vợ ông Bình) đứng tên mua 523.000 cổ phần với giá 31 tỷ đồng. Vợ ông Bình đứng tên mua 200.000 cổ phần với giá 12 tỷ. Hai con gái của ông Bình cũng liên tiếp đứng tên mua hơn 2 triệu cổ phần với giá trên 120 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2007, ông Bình chỉ đạo Nguyễn Đức Vinh (Trưởng phòng Ngân quỹ Hội sở) xuất 23.252 lượng vàng (không lập chứng từ) và phối hợp với phòng kinh doanh DAB bán cho các hiệu vàng tại TP HCM. Số tiền 374 tỷ đồng thu được dùng bù vào âm quỹ.
Ngoài ra, năm 2008 ông Bình còn mua lại 5,75 triệu cổ phần của DAB từ Công ty Quỹ Lộc Việt với giá 327 tỷ đồng. Tiền lấy từ việc thu khống hơn 30 tỷ đồng của Nguyễn Hồng Ánh (khách hàng vay vàng của DAB) và 121 tỷ đồng từ việc bán chung cư thuộc dự án Richland Hill.
Đồng thời, nguyên tổng giám đốc DAB còn cho Công ty Ninh Thịnh và Sao Việt Nam vay 197 tỷ đồng. Hai công ty này sau đó chuyển trả tiền vào tài khoản của Công ty Quỹ Lộc Việt. Về phần mình, ông Bình chỉ đạo cấp dưới lập 20 phiếu thu khống khoản nợ cả gốc và lãi cho Công ty Ninh Thịnh và Sao Việt Nam, khiến DAB thiệt hại 234 tỷ đồng.
Cũng bằng việc chỉ đạo cấp dưới lập hàng loạt chứng từ thu khống, ông Bình và đồng phạm chiếm đoạt của DAB tổng cộng 2.057 tỷ đồng.
Đối với hành vi cố ý làm trái, ông Bình bị cáo buộc đã gây thiệt hại cho DAB hơn 1.551 tỷ đồng. Trong đó, gần 470 tỷ do suất quỹ sai nguyên tắc cho 219 công ty để chi lãi ngoài huy động vốn; gần 385 tỷ kinh doanh ngoại hối; hơn 610 lượng vàng tài khoản; hơn 53 tỷ trong việc tất toán tài khoản với một khách hàng về khoản vay 1.900 lượng vàng...
Hồi tháng 9, ông Vũ Nhôm đã nộp 13 tỷ đồng, ông Bình khắc phục 4 tỷ, Nguyễn Hồng Ánh 500 triệu đồng. Nhà chức trách cũng kê biên hơn 125 triệu cổ phần của DAB đứng tên Công ty Bắc Nam 79; 5 bất động sản của các bị cáo và phong toả số lượng lớn chứng khoán...
Ông Bình lấy tiền ngân hàng cho nhân viên ăn Tết
Cuối tháng 1/2010, Tổng giám đốc Nguyễn Phương Bình chỉ đạo Nguyễn Đức Vinh xuất quỹ trái phép 30 lượng vàng, bán được hơn 790 triệu đồng để hỗ trợ một số chi nhánh hoạt động khó khăn trong dịp Tết.
Ông Trần Phương Bình đảm nhận chức vụ Tổng giám đốc DongA Bank từ năm 1998 và là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị từ 2013 đến 2015. Ông là cử nhân kinh tế, nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy kinh tế, trước khi chuyển sang gây dựng và dẫn dắt ngân hàng phát triển hơn 23 năm qua.
Ngày 20/8/2015, Ngân hàng Nhà nước quyết định đình chỉ chức tổng giám đốc và thành viên Hội đồng Quản trị của ông Trần Phương Bình, sau khi đưa DAB vào diện kiểm soát đặc biệt.
Trước khi bị bắt, ông Trần Phương Bình viết thư tay gửi VnExpress, chuyển lời xin lỗi tới khách hàng, cổ đông và cán bộ nhân viên. Ông tự nhận trách nhiệm cá nhân vì đã có một số quyết sách dẫn tới hệ quả xấu. Trong thư, ông mong khách hàng tiếp tục ủng hộ, giữ quan hệ giao dịch với ngân hàng, mong được cổ đông đồng thuận khi đệ trình các phương án tái cấu trúc DongA Bank.
"Mong tập thể cán bộ nhân viên biến lo lắng thành hành động, tiếp tục phát triển năng lực cá nhân của mình để góp phần xây dựng một DongA Bank tốt hơn trong tương lai. Một lần nữa, tôi cúi đầu nhận lỗi trước tất cả mọi người, thành thật xin lỗi gia đình tôi, những người thân và tất cả mọi người", ông viết.
Phan Văn Anh Vũ, 43 tuổi, là đại gia bất động sản có tiếng ở Đà Nẵng. Ông này bị Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) ngày 21/12/2017 khởi tố về tội Làm lộ tài liệu bí mật nhà nước theo Điều 263 Bộ luật Hình sự 1999. Bỏ trốn và bị phát lệnh truy nã, song ngày 4/1 ông Vũ bị bắt tại Singapore và đưa về Hà Nội. Mới đây nghi phạm này bị khởi tố thêm tội danh Trốn thuế và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ... Hôm 1/11, ông Phan Văn Anh Vũ bị TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên phạt 8 năm tù tội Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước. |
Kỳ Hoa