Thứ hai, 3/2/2025, 01:01 (GMT+7)

Hơn 300 ngày thông tuyến 'cao tốc' 500 kV mạch 3

Thay vì mất 3, 4 năm như các dự án tương tự, đường dây 500 kV mạch 3 chỉ cần hơn 10 tháng, trở thành minh chứng cho việc "không gì là không thể" với một dự án đầu tư công.

'Vượt gió, thắng mưa'

Đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) với gần 520 km đường dây mạch kép giúp kéo điện ra miền Bắc. Đường dây này đi qua nhiều tỉnh, nhiều địa hình phức tạp nhưng trong đó, đoạn đi qua dãy Hoành Sơn (đoạn thuộc Hà Tĩnh) được ngành điện đánh giá là cung đoạn thi công khó nhằn nhất.

Thuộc cung đoạn này, cột số 8 cao 83 m, nặng 315 tấn là cột néo 2 thân, chân lệch nhau 4 m. Đây là một trong những vị trí khó thi công nhất do địa hình phức tạp, ở trên đỉnh Đèo Ngang của dãy Hoành Sơn. Trước đó, nhà thầu xây lắp thi công vị trí này không thể đáp ứng tiến độ bởi sự khắc nghiệt của thời tiết.

"Không chỉ vượt nắng, thắng mưa, anh em công nhân còn phải vượt gió, tìm phương án để 'thắng' những khó khăn này", ông Nguyễn Sỹ Thắng, khi đó là Giám đốc Truyền tải điện Hà Tĩnh, nói.

Thực tế, vị trí này nằm đúng rốn gió do lọt vào giữa hai dãy núi, phía trước là biển. Chưa kể, gió Tây Nam thổi vào thời điểm đó cực đoan hơn mọi năm.

"Gió cực kỳ mạnh, đứng buổi sáng còn không vững, khi cẩu hàng lên, gió đập vào thanh cột, có thể khiến hàng rơi hết", ông Nguyễn Sỹ Thắng nhớ lại.

Với kinh nghiệm quản lý, vận hành hệ thống đường dây 500 kV mạch 1, 2 và một phần mạch 3 đã xong trước đó, Truyền tải điện Hà Tĩnh được tăng cường cùng nhà thầu cho kịp tiến độ. Họ, phần lớn là cán bộ vận hành, quản lý, ra công trường trực tiếp thi công.

Những ngày cuối tháng 8, thời điểm trước khi khánh thành đường dây, ông Thắng cùng hơn 40 công nhân nhiều đêm mất ngủ để tìm phương án thi công vị trí cột này. Mỗi ngày, công nhân được chia thành các nhóm, thay nhau làm việc ở tất cả khung giờ, cả ngày lẫn đêm. Để dựng cột đúng tiến độ, đảm bảo an toàn, họ phải căn ke từng lúc gió lặng để cẩu thiết bị, lắp khung thép.

Ròng rã hơn một tháng như vậy, vị trí số 8 cũng hoàn thành, đủ điều kiện để kéo dây. Cung đoạn đường dây 500 kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu kịp đóng điện vào ngày 27/8, ngay sát Lễ khánh thành toàn công trình, theo đúng tiến độ Thủ tướng yêu cầu.

Không riêng cột số 8, trong quá trình thi công, các kỹ sư, công nhân ngành điện gặp không ít khó khăn do thời tiết. Các tháng 4, 5, 6, 7 và 8 vừa qua, mưa nắng thất thường, khắc nghiệt. Tại các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa thường xuyên nắng nóng gay gắt, nhiều ngày có mưa lớn kèm giông, sét, trên núi thường gió mạnh từ 3-7 tiếng mỗi ngày. Nhiều thời điểm, các đơn vị phải dừng thi công để đảm bảo an toàn cho người lao động và thiết bị.

Cán bộ, công nhân ngành điện thi công trên cột điện có độ cao hàng chục mét, tại cung đoạn Quảng Trạch - Quỳnh Lưu thuộc dự án 500 kV mạch 3, tháng 7/2024. Ảnh: EVNNPT

Nhưng "nắng, gió, mưa" không phải khó khăn duy nhất.

Áp lực tiến độ, khối lượng công việc khổng lồ trong khi nhiều công nghệ lần đầu được ứng dụng cũng khiến các nhà thầu thi công nhiều đêm "mất ăn mất ngủ". Với những việc này, người thợ điện phải sử dụng tới những sáng kiến, sáng tạo và các công nghệ tiên tiến để có thể hoàn thành công việc, đưa dự án về đích đúng thời gian mục tiêu.

Cột số 175 được thiết kế theo công nghệ chế tạo cột liên kết ống (DO) phổ biến trên thế giới, nhưng lần đầu ứng dụng tại dự án siêu cao áp của Việt Nam. Đặc điểm của loại này là cao và nặng, người không thể ôm, không có chân trèo và điểm đứng để thao tác lắp ghép. Chưa kể, vị trí thi công nằm cạnh hồ Bộc Nguyên có 2 mặt tiếp giáp với lòng hồ, có đường vào đi lại rất khó khăn, hiểm trở.

Tại thời điểm đó, đơn vị thi công chưa có kinh nghiệm lắp dựng chủng loại này. Nếu dùng phương pháp thông thường, sử dụng dây thang để trèo vào ống, thời gian nhanh nhất khoảng 50-55 ngày, không đáp ứng tiến độ của dự án. Nhà thầu sau đó đã nghĩ ra cách gia công giá gắn vào các đầu đoạn ống chính để có thể đứng thao tác vòng quanh. Việc này giúp người đứng thao tác thấy chắc chắn, an toàn, có thể ngồi nghỉ ngơi, hạn chế lên - xuống. Tiến độ thi công còn 40-45 ngày, rút ngắn 10 ngày.

Ngoài sáng kiến thi công cột DO vị trí 175 ở trên, nhiều cách làm mới, sáng tạo cũng được áp dụng, đại diện nhà thầu, Tổng giám đốc Tập đoàn PC1 Vũ Ánh Dương cho biết, tại lễ khánh thành cuối tháng 8/2024. Chẳng hạn, họ sử dụng thiết bị bay để kéo rải dây mồi, thay vì làm theo cách truyền thống, cần 10-20 công nhân băng rừng, lội suối để kéo dây từ cột này sang cột kia. Các thiết bị kéo hãm thủy lực đồng bộ cũng được sử dụng để cùng lúc kéo rải 4 dây dẫn kích thước lớn tại các khoảng néo dài. Việc này giúp đẩy tiến độ kéo dây tại các khoảng lớn, vượt rừng, địa hình đồi núi, sông hồ, giao cắt đường giao thông.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Theo EVNNPT, các dự án có quy mô, khối lượng tương tự phải mất từ 3-4 năm. Chẳng hạn, dự án đường dây 500 kV mạch 3 Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông dài 437 km thi công trong gần 3 năm, đường dây 500 kV mạch 3 cung đoạn Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi - Pleiku 2 dài 740 km cũng gần 4 năm.

Một trong những "chìa khoá" để Đường dây 500 kV mạch 3 về đích với thời gian tính theo tháng là tốc độ giải phóng mặt bằng - điều mà vốn là chướng ngại vật lớn nhất khiến các dự án truyền tải thường mất nhiều năm trời. Khác với đường giao thông, chỉ một vị trí cột gặp vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng cũng khiến cả đường dây truyền tải 200-300 km không thể đóng điện.

Cán bộ, công nhân ngành điện thi công tại dự án đường dây 500 kV mạch 3, tháng 7/2024. Ảnh: EVNNPT

Với dự án 500 kV mạch 3, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng thông thoáng có được nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của người dân.

Dự án này có chiều dài 519 km, đi qua địa bàn 211 xã, phường của 43 huyện, thị xã thuộc 9 tỉnh là: Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên. Gần 5.250 hộ gia đình, 96 tổ chức bị ảnh hưởng, trong đó có 167 hộ gia đình phải di dời tái định cư, để nhường 1,83 triệu m2 đất cho thi công. Nhưng chỉ mất 2 tháng, toàn bộ 1.177 vị trí móng được bàn giao cho nhà thầu thi công. Tiếp đó, toàn bộ hành lang tuyến cũng được bàn giao không lâu sau đó.

"Ít có dự án nào mà sự đồng thuận của người dân cao tới như vậy", đại diện EVNNPT cho biết, thêm rằng người dân sẵn sàng nhường đất, nhường chỗ ở, nơi làm ăn, sinh kế cho dự án. Thậm chí, có những hộ gia đình chủ động tháo dỡ nhà cửa, di dời mồ mả cha ông, để dự án sớm đi vào triển khai.

Gia đình ông Vũ Đình Sỹ, xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa là một ví dụ. Gia đình ông có 5 lô đất nằm trong diện di dời. Cửa hàng đồ gỗ, nguồn sống chính của gia đình, cũng được đặt tại đó. Song, theo ông Sỹ, bản thân và gia đình ông đã sớm bàn giao mặt bằng, góp phần để dự án hoàn thành đúng tiến độ bởi "đây là dự án đặc biệt, liên quan đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước".

Hay ông Lê Trọng Ba, thị trấn Hậu Hiền, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá, đã di dời nhà trước khoảng 2 tháng rồi mới lấy tiền đền bù. "Tôi chuyển nhà ra chỗ khác để công trình nhà nước được thuận buồm, tốt đẹp", ông nói.

Tổng giám đốc EVNNPT nhìn nhận, cơ bản người dân sẽ ủng hộ khi họ hiểu tầm quan trọng của dự án. Để làm được điều đó, từ khi dự án chưa được duyệt, EVNNPT đã làm việc với từng xã, thôn, hộ về phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đến khi dự án được phê duyệt, cơ bản hồ sơ bồi thường đã có, là cơ sở để địa phương từng bước bồi thường, vận động người dân di dời.

Nhiều thời điểm, việc thi công dự án đứng trước nguy cơ chậm tiến độ do vướng cơ chế, nguồn lực nhưng đều nhanh chóng được gỡ vướng.

Chẳng hạn, quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và thủ tục tác động vào rừng để mở đường thi công tạm là một ví dụ. Nghị định 27 của Chính phủ có hiệu lực thi hành nhanh kỷ lục đã giúp gỡ điểm nghẽn này. Khoảng ba tuần sau khi Nghị định ra đời, vị trí móng cuối cùng thuộc rừng tự nhiên đã hoàn thành mở đường thi công để triển khai đào đúc móng.

Hay với khối lượng công việc khổng lồ, việc cung cấp cột thép là một thách thức lớn. Tại dự án này, 519 km mạch kép, tương đương hơn 1.000 km mạch đơn, phải dựng 139.000 tấn thép, gấp hơn 2 lần mạch 1 với thời gian thi công chỉ hơn 6 tháng. Nhưng năng lực của các đơn vị sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 80% công suất yêu cầu của dự án. Chưa kể, một số loại thép mới trong nước không sản xuất được, phải nhập khẩu.

Thời điểm đó, Bộ Công Thương phải gửi công hàm, công điện tới Đại sứ quán và Thương vụ của ba nước Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, nhờ họ hỗ trợ tìm nguồn hàng nhập khẩu vật tư, thiết bị, nhất là cột thép. Chủ đầu tư cũng phải cử người trực tiếp sang làm việc với các nhà sản xuất thiết bị, vật tư nước ngoài để đàm phán, thu xếp việc nhập khẩu hàng. Nhờ vậy, 1.000 container vật tư, thiết bị từ các nước đã được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đơn vị vận tải biển kịp thời chuyển về Việt Nam.

Ngoài ra, dự án lưới điện truyền tải này cũng lập kỷ lục về việc huy động số người tham gia, khoảng 23.000 người. Trong đó, hai phần ba nguồn lực được huy động từ người dân, đoàn thanh niên, và cán bộ, kỹ sư có chuyên môn từ các công ty điện lực, truyền tải, Viettel, VNPT, PVN...

Công nhân của nhà thầu thi công trên công trường thuộc cung đoạn Thanh Hoá - Nam Định, tháng 7/2024. Ảnh: EVNNPT

Tổng giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn nói đường dây 500 kV mạch 3 trên tinh thần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Nhờ từng công đoạn được rút tiến độ, nỗ lực "thông tuyến" của cả hệ thống, "cao tốc" 500 kV mạch 3 trở thành dự án đạt kỷ lục về thời gian thi công, chỉ bằng một phần năm so với các cung đoạn trước đó.

"Trong quá trình làm việc, sẽ có những người bàn làm và có người bàn lùi, có những người quyết tâm và có người không. Nhưng đại đa số quyết tâm và biết cách làm thì sẽ làm được", Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ tại Hội nghị tổng kết ngành điện vào cuối năm ngoái. Lãnh đạo Chính phủ khẳng định công trình 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối mang ý nghĩa "không gì là không thể".

Trước đó, lãnh đạo Chính phủ cũng cho rằng từ dự án này, Việt Nam sẽ có thêm kinh nghiệm áp dụng vào dự án trọng điểm quốc gia như đường cao tốc, sân bay, bến cảng, đường sắt đô thị trong kiểm soát, đẩy tiến độ từ khâu chuẩn bị đầu tư, nguồn vốn, giải phóng mặt bằng đến thi công, huy động các nguồn lực tham gia.

Cùng gần 1.180 km của hai đường dây 500 kV từ miền Trung vào Nam đã hoàn thành trước đó, dự án tạo thêm một tuyến đường dây 500 kV mạch 3 hoàn chỉnh, kết nối từ Bắc vào Nam. Dự án giúp nâng năng lực truyền tải hệ thống 500 kV Bắc - Nam, tăng cung ứng điện qua hệ thống 500 kV từ Trung - Bắc khoảng 2.500 MW. Việc này giúp bù đắp thiếu hụt điện cục bộ, đảm bảo cấp điện, an ninh năng lượng cho miền Bắc trong những năm tới.

Việt Nam chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng. Thủ tướng nói Việt Nam phải có đột phá về tăng trưởng, đạt tốc độ hai con số trong những thập kỷ tới. Như vậy, tăng trưởng điện phải cao hơn, để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.

"Một điểm phần trăm tăng trưởng GDP cần khoảng 1,5 điểm phần trăm tăng trưởng điện", Thủ tướng nói. Do đó, ông yêu cầu ngành phải có những đột phá, công trình thế kỷ, dự án mang tính chất xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái, như đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối. Việc này nhằm mục tiêu "dứt khoát không để thiếu điện cho tăng trưởng, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".

Nội dung: Phương Dung
Đồ hoạ: Đăng Hiếu