13h ngày 24/5, nhiệt độ ngoài trời tại Tĩnh Gia (Thanh Hóa) phải 37 độ C. Các kỹ sư, công nhân ngành đường sắt đang hối hả khắc phục hậu quả vụ lật tàu SE19 lúc 0h30 sáng nay. Nhiều xe cẩu tự hành, các thiết bị sửa chữa, vật tư ngành đường sắt đã được huy động.
Công nhân đường sắt làm việc xuyên trưa nắng khắc phục tai nạn.
Có mặt tại hiện trường, ông Hoàng Gia Khánh, Giám đốc Công ty Cổ phần đường sắt Thanh Hóa cho biết, đơn vị đã phối hợp cùng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các lực lượng khẩn trương cứu nạn cứu hộ, chuyển tải hành khách. “Chúng tôi điều hơn 300 kỹ sư và công nhân nỗ lực thông đường trong thời gian sớm nhất", ông Khánh nói.
Chi nhánh toa xe Vinh đã tăng cường cho Thanh Hóa 20 kỹ sư, công nhân để đưa toa xe bị lật nghiêng ra khỏi đường ray. Ước tính 150 m đường ray bị hư hỏng hoàn toàn, nhiều thanh tà vẹt gãy đôi, có thanh bốc cháy do ma sát lớn.
Trước mắt ngành đường sắt đưa tà vẹt gỗ vào khôi phục các đoạn đường hư hỏng; dùng kích, cẩu đưa các toa xe ra khỏi đường ray để sớm giải phóng hiện trường. Đến 13h, khoảng 70 m đường ray được khôi phục.
Hai máy cẩu trong đó có một máy cẩu chuyên dụng của ngành đường sắt có thể cẩu tải 100 tấn đã được đưa đến hiện trường để chuẩn bị cẩu đầu máy và toa bị lật nằm dưới ruộng.
Khoảng 0h30 ngày 24/5, tàu SE19 chở hơn 400 hành khách hành trình từ Hà Nội vào Đà Nẵng, khi đến xã Trường Lâm (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) đã tông vào xe ben chở đá đang băng qua đường ngang.
Sau cú đâm rất mạnh, đoàn tàu tiếp tục lao về phía trước. Đầu máy đứt rời khỏi đoàn tàu, lộn nhiều vòng xuống mương nước bên cạnh. 6 toa khác gồm 2 toa chuyên dụng, 4 toa hành khách bật khỏi đường ray.
2 lái tàu tử vong, 9 hành khách và lái xe tải bị thương nặng, đang được cấp cứu ở bệnh viện Thanh Hóa và Nghệ An. Trong đó ba người được đưa ra Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội).
Công an đã tạm giữ hai nhân viên gác chắn do nghi ngờ họ không kéo barie khi đoàn tàu sắp đến, để xe tải băng qua đường ray.