Sách tập hợp 33 bài viết của những người Việt trong và ngoài nước, nam và nữ, ở đủ lứa tuổi, ngành nghề khác nhau. Mỗi trang viết ở nhiều lĩnh vực, đưa ra những góc nhìn riêng với văn phong khác biệt, nhưng đều có điểm chung, trực tiếp hay gián tiếp khẳng định lòng tự hào khi là người Việt.
Ở Tôi tự hào là người Việt Nam, có thể thấy những cái nhìn đa dạng đã soi sáng những phẩm chất khác nhau của người Việt. Trong bối cảnh biển Đông dậy sóng, hiện lên sợi chỉ đỏ xuyên suốt phần lớn bài viết là sự khẳng định về ý chí độc lập tự chủ, quyết tâm thoát khỏi lệ thuộc của dân tộc Việt Nam.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh - Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP HCM, Cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội - cho biết, khi nhận câu hỏi của Đinh Tiến Dũng về việc có tự hào là người Việt không, bà trả lời "có". Nhưng bên cạnh đó, bà có nhiều trăn trở: "Khi chưa được tiếp cận nội dung cụ thể các bài viết trong sách, tôi có phần ngần ngại cuốn sách sẽ là một thông điệp toàn màu hồng, một dịp vỗ ngực tự cao tự đại". Nhưng khi đọc các bài viết, bà nhận xét: "Tôi thật sự mừng là anh Phạm Phú Ngọc Trai đã nhắc lại sự thật khách quan rằng 'Người Việt Nam cũng như bất cứ người nước nào trên thế giới, đều có cái hay lẫn cái dở'; đặt biệt, tôi tâm đắc với lời nhắn nhủ của anh Đinh Tiến Dũng về 'chó sói tốt' và 'chó sói xấu' trong mỗi chúng ta cũng như kết luận nên sống thế nào để có thể tự hào về bản thân mình, ấy cũng là lúc ta đã tự hào là người Việt Nam".
Bằng cái nhìn xuyên thời gian, nhà sử học Dương Trung Quốc nhắc nhở chúng ta phải giữ lòng tự trọng dân tộc, sự đoàn kết, nhất trí. Còn vị tướng Nguyễn Huy Hiệu tâm niệm câu nói của Nguyễn Trãi: "Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo".
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng có cái nhìn tổng thể và thấu đáo khi lấy nhận định bản sắc sẽ là hành trang cho sự phát triển của dân tộc. Ông nói: "Bản sắc của chúng ta bất diệt thì chúng ta cũng nghìn đời bất diệt". Còn Nguyễn Hữu Thái Hòa lại trăn trở về định vị và thương hiệu Việt trong thế kỷ 21. Ông đặt niềm tin chiến lược vào các giá trị và các cơ hội lớn của Việt Nam. Doanh nhân Việt kiều Alan Phan cũng tin vào khả năng vượt khó và ý chí vươn lên mãnh liệt của người Việt khắp năm châu, từ Dương Thị Gấm ở Mỹ tới những cô gái buôn hàng lẻ ở Nga.
Phó Giáo sư Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT - nhấn mạnh việc giữ gìn nguồn cội người Việt. Ông viết: "Người Việt Nam có vô vàn thứ để tự hào. Nhưng chúng ta cần suy ngẫm và tìm mọi cách để làm thế nào người Việt Nam vẫn là người Việt Nam. Nguồn gốc sức mạnh phải ở trong chính tinh thần sáng tạo, tự lập tự cường của người Việt".
Sách Tôi tự hào là người Việt Nam do Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng chủ biên, Nhà xuất bản Công an Nhân dân phát hành cuối tháng 8. Các tác giả viết bài trong sách đều không lấy nhuận bút. Toàn bộ số tiền bán sách đợt 1 (10.000 cuốn, trị giá khoảng 500 triệu đồng) sẽ được gửi vào Quỹ Biển đảo Việt Nam.
Trích đoạn bài viết "Bạn có tự hào là người Việt Nam không?" của Đinh Tiến Dũng Gần đây tinh thần tự hào Việt Nam đang lên cao, đặc biệt là trên báo chí và các diễn đàn online. Mỗi khi có một người Việt ở đâu đó làm việc gì xấu xa ảnh hưởng đến quốc thể là không biết bao nhiêu người lao vào "đánh đập" cho tơi bời vì "can cái tội" làm nhục quốc thể dù đa phần cái "bọn" làm nhục quốc thể đó vẫn đang tiếp tục vật vã với cơn mưu sinh chứ có thời gian và phương tiện đâu mò lên mạng nghe chửi để mà sửa chữa. Chúng ta đẩy họ ra xa, chúng ta nhảy tránh sang chỗ khác để chứng minh là mình không giống như vậy, mình rất tốt, mình rất gương mẫu và rất tự hào là người Việt Nam, còn cái số ít ỏi xấu xa kia đang làm nhục quốc thể, vì vậy nó không thể cùng phe với mình được. Càng chửi mạnh, càng chửi hay thì có vẻ cái khoảng cách "không liên quan" đó càng được thiết lập một cách an toàn. Đợt vừa rồi rộ lên vụ truyền hình Nhật đưa tin người Việt ăn cắp và bị bắt. Khắp nơi trên các diễn đàn và mạng cộng đồng, những cụm từ như "nhục mặt chưa", "đẹp mặt chưa", "xấu hổ quá..." được nhiều người dùng với cường độ cao để bình luận cho sự kiện này bởi có vẻ như lòng tự hào Việt Nam của họ đang bị tổn thương sâu sắc. Tôi thầm nghĩ, các cụ xưa có câu: "Bần cùng sinh đạo tặc", một khi đã bần cùng rồi thì bọn họ quan tâm quái gì đến chuyện quốc thể, lúc đó thì họ ở Nhật Bản hay ở Nhật Tân thì cũng vẫn đạo tặc như thường. Tôi nghĩ chúng ta đang chửi đấy nhưng thực ra không phải chửi cho những kẻ đạo tặc nghe, mà có lẽ chửi để cho chính bản thân mình nghe. Nghe để cảm thấy yên tâm là mình vẫn đang có thái độ gay gắt với cái xấu như thế thì chắc mình là người tốt rồi. Chửi để át đi việc hôm nọ có thể mình vừa tè bậy ở đâu đó do trót uống bia nhiều rồi lại phải chạy xe về luôn, chửi để át đi việc hôm nọ đã gãi đầu gãi tai dúi vào tay anh cảnh sát giao thông nào đó ít tiền để khỏi bị phạt nhiều theo đúng luật, chửi để át đi việc phần lớn các phần mềm ta đang dùng trên máy tính và điện thoại là hàng "crack" (nói trắng ra cũng là đồ ăn cắp), chửi để át đi việc hôm nọ ta vượt đèn đỏ, chửi để át đi việc hôm nọ ta vừa nhận phong bì từ bệnh nhân, chửi để át đi việc ta nhận tiền từ phụ huynh để cho con họ vào trường trái tuyến, chửi để át đi những món quà đắt tiền ta biếu sếp để có được những chỗ thuận lợi trong công việc... Chửi để át đi cái phần xấu mà trong tất cả chúng ta ai cũng có. Nhưng chưa chắc... Chắc chúng ta đều biết câu chuyện trong mỗi con người luôn có con chó sói tốt và con chó sói xấu, và câu hỏi đặt ra là giờ hai con đánh nhau, con nào sẽ thắng? Câu trả lời là con nào chúng ta cho ăn nhiều, con đó sẽ thắng. Đôi khi chúng ta vô tình đấu tranh với cái xấu bằng cách nhắc lại nó, nhân rộng nó ra nhiều hơn thông qua việc chửi bới, ca thán. Đó chính là hành động chúng ta đang cho con chó sói xấu trong mình được ăn uống nhiều hơn và làm tăng nguy cơ nó sẽ cắn chết con chó sói tốt trong một ngày không xa. Riêng cá nhân tôi thì luôn tin rằng, cách đấu tranh với cái xấu hiệu quả nhất là chỉ quan tâm đến những cái tốt, những cái tích cực, đồng thời tìm cách lan truyền và nhân rộng nó ra để con sói tốt ngày càng mạnh mẽ, không cho con sói xấu trong mình có cơ hội bùng lên. |
Lam Thu