Nhận lệnh điều động khẩn của Sở Y tế TP HCM khi vừa xong công việc khám chữa bệnh, chiều 3/6, các thành viên đội lấy mẫu của Bệnh viện Da liễu TP HCM ăn vội bữa tối, trang phục bảo hộ, lên xe xuất phát đến Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7. Trong đêm, các y bác sĩ đã lấy hơn 30.000 mẫu xét nghiệm công nhân viên, người lao động tại đây.
Trong đợt dịch lần thứ 4 này, Bệnh viện Da liễu TP HCM cử 55 nhân viên y tế, phân công trực gác ngày đêm, chi viện cho thành phố nhiều đội, nhóm cơ động các "mặt trận", bất kể ngày đêm, mưa nắng. Y bác sĩ được chia quân số, xếp hành lý để "đóng đô" dài hạn tại bệnh viện, vừa đảm bảo lực lượng tinh nhuệ và sức lực để chăm sóc, điều trị bệnh nhân, vừa góp sức cùng thành phố chống dịch.
Đến ngày 9/6, bệnh viện đã tham gia 10 đợt lấy mẫu tại Gò Vấp, quận 7, quận 12, Tân Bình, Bình Tân. Khi TP HCM triển khai chốt kiểm soát Covid-19 tại các cửa ngõ trong hơn hai tuần, 18 nhân sự của bệnh viện tham gia trực 24/24h tại chốt kiểm dịch chân cầu Vĩnh Bình.
Bệnh viện đang cử 8 bác sĩ, điều dưỡng làm việc trong khu cách ly tập trung ở ký túc xá Học viện Bưu chính Viễn thông. Trong các đợt dịch trước, bệnh viện cũng cử nhiều đoàn y bác sĩ tham gia làm nhiệm vụ tại ký túc xá Đại học Quốc gia, Bệnh viện Dã chiến Củ chi, lấy mẫu tại sân bay, lấy mẫu tại hẻm phong tỏa do ca nhiễm ở quán bún O Thanh...
Anh Nguyễn Đắc Tuấn, kỹ thuật viên trưởng Khoa Xét nghiệm, đội trưởng đội lấy mẫu Bệnh viện Da liễu TP HCM, cho biết, thời gian qua, đội lấy mẫu vừa đảm bảo chuyên môn trong bệnh viện vừa đảm bảo công tác lấy mẫu ở các điểm nguy cơ khi có lệnh điều động từ Sở Y tế.
"Dù mệt nhưng tất cả thành viên thấy vui, tự hào vì công việc của mình và sẵn sàng lên đường đi bất cứ nơi đâu dù là điểm nóng, điểm nguy cơ... Chỉ mong thành phố nhanh chóng dập dịch, đảm bảo sự bình an cho người dân", anh Tuấn nói.
Cùng Bệnh viện Da liễu, 47 bệnh viện khác trên địa bàn TP HCM, thời gian qua đã chi viện nhân lực, vật lực cho khối ngành dự phòng, trực tiếp tham gia phòng chống Covid-19 ở môi trường bên ngoài bệnh viện.
Chiều 1/6, nhóm lấy mẫu Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng nhận được điều động và tức tốc quay lại bệnh viện sau giờ tan ca. Xuất quân từ 18h và làm việc xuyên suốt đến 1h sáng hôm sau, đội lấy mẫu trở về bệnh viện sau khi lấy được gần 500 mẫu ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh. Lúc này, một đội khác cũng đã sẵn sàng, tiếp tục xuất quân khi có lệnh.
Bệnh viện cũng tham gia làm nhiệm vụ ở các chốt kiểm soát dịch, bệnh viện dã chiến. Đội xét nghiệm cũng tăng cường hoạt động hết công suất hơn nửa tháng qua, hỗ trợ xét nghiệm Covid-19 được Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) điều phối tới.
Theo Sở Y tế TP HCM, khi thành phố đang trong đợt bùng phát Covid-19 lớn nhất từ trước đến nay, Sở đã huy động rất nhiều bệnh viện, không phân biệt đa khoa hay chuyên khoa, đáp ứng nhu cầu lấy mẫu xét nghiệm trong công tác truy xuất, phát hiện, khoanh vùng, dập dịch.
Từ 26/5, sau khi ổ dịch nhóm Truyền giáo Phục hưng được phát hiện, hơn 400 đội, nhóm đã lấy hơn 450.000 mẫu xét nghiệm Covid-19. Có ngày cao điểm, đạt mức 100.000 mẫu trong 24 giờ. Để có được kết quả này, hàng nghìn y bác sĩ đã làm việc cật lực suốt ngày đêm tại hiện trường, trong những bộ đồ bảo hộ ướt đẫm mồ hôi.
Sở Y tế TP HCM đánh giá, nỗ lực của các bệnh viện không dừng lại ở các hoạt động phòng, chống Covid-19 trong bệnh viện mà còn tham gia hàng loạt hoạt động ở môi trường bên ngoài bệnh viện, cùng với khối y tế dự phòng. Các y bác sĩ thuộc khối khám chữa bệnh đã vượt ra khỏi ranh giới bệnh viện, cùng y bác sĩ thuộc khối dự phòng dấn thân vào "cuộc chiến không khoan nhượng" với nCoV.
Trong đợt cao điểm phòng chống dịch gần hai tuần qua, nhiều bệnh viện cũng chi viện xét nghiệm RT-PCR. Cùng Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC), Viện Pasteur TP HCM, các phòng xét nghiệm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Nhi đồng 1, Nhi đồng Thành phố, Nguyễn Tri Phương, Phạm Ngọc Thạch, Thành phố Thủ Đức, Lê Văn Thịnh, Nhân dân Gia Định, Nhân dân 115 đã thực hiện hơn 443.081 mẫu xét nghiệm.
Tính đến nay, ngoài HCDC và các viện, bệnh viện thuộc Bộ Y tế, TP HCM có 11 bệnh viện công lập và 4 bệnh viện tư nhân, được phép thực hiện xét nghiệm RT-PCR xác định Covid-19.
Theo HCDC, đội ngũ xét nghiệm tại các bệnh viện đã đảm trách khối lượng công việc khổng lồ chưa từng có tại các phòng xét nghiệm RT-PCR, nếu so sánh với thời điểm trước đây. Liên tục hàng trăm, hàng nghìn mẫu phết mũi họng được HCDC phân bổ và gửi đến các bệnh viện. Các bác sĩ, kỹ thuật viên làm việc liên tục suốt ngày đêm để kịp thời trả kết quả, đáp ứng nhu cầu sàng lọc, truy vết, khoang vùng, dập dịch.
Ngoài ra, từ khi TP HCM lập các khu cách ly tập trung, nhiều bệnh viện phân công các y, bác sĩ thường trực 24/7, đảm trách hoạt động này theo từng khu vực theo sự phân công của Sở Y tế.
Theo đó, các bệnh viện quận, huyện và TP Thủ Đức cùng các Trung tâm y tế quận, huyện đảm trách công tác khám, cấp cứu tại chỗ tại các khu cách ly tập trung của quận, huyện và TP Thủ Đức. Một số bệnh viện đảm trách công tác sơ, cấp cứu tại chỗ cho người cách ly tại các khu cách ly tập trung của thành phố cùng với Trung tâm Cấp cứu 115 để vận chuyển người bệnh về các bệnh viện.
Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tiếp nhận khám, cấp cứu người cách ly từ các khu cách ly chuyển đến theo chuyên khoa. Các bệnh viện tư nhân có đủ điều kiện khám, chữa bệnh người nước ngoài tham gia khám, chữa bệnh cho người nước ngoài đang cách ly tại các khách sạn...
Sở Y tế TP HCM đánh giá cao các bệnh viện sàng lọc, phát hiện kịp thời người mắc Covid-19 khi đến khám, không để bị động trước sự "tấn công" của nCoV, là chốt chặn an toàn cho cả hệ thống y tế trong công tác phòng chống dịch.
Các bệnh viện đã tổ chức khai báo y tế điện tử, phát hiện người bệnh có yếu tố nguy cơ qua hoạt động "check-in", hướng dẫn và phân luồng người bệnh, khám sàng lọc, cách ly tạm trong thời gian làm xét nghiệm. Hoạt động này mang ý nghĩa quyết định cho sự "phòng thủ vững chắc" của bệnh viện, ngăn chặn sự xâm nhập của nCoV vào bên trong, khi đó chắc chắn sẽ gây ra hậu quả lây lan trong bệnh viện với những hệ luỵ khó lường.
"Buồng cấp cứu sàng lọc" đã được các bệnh viện triển khai hiệu quả, trở thành nơi phát hiện ca mắc mới có nguồn gốc trong cộng đồng để hệ thống dự phòng kịp thời truy vết, khoanh vùng, dập dịch.
Tính đến ngày 7/6, 22 bệnh viện phát hiện người mắc Covid-19 từng đến để khám chữa bệnh, trong đó 13 bệnh viện chủ động phát hiện, kịp thời cách ly, xét nghiệm và chuyển về các bệnh viện được phân công tiếp nhận điều trị. 9 bệnh viện bị động trong phát hiện khi người bệnh đến khám. Không có trường hợp nào bị động trong việc phát hiện người bệnh đang nằm viện điều trị nội trú. Trong số này, Bệnh viện quận Tân Phú và Đa khoa Nam Sài Sòn phát hiện nhân viên y tế mắc Covid-19, phải phong tỏa bệnh viện.
Đặc biệt, từ ba trường hợp dương tính đầu tiên trong cùng một ngày được sàng lọc và phát hiện tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, hệ thống dự phòng đã sớm truy vết và phát hiện ra chuỗi lây nhiễm từ nhóm truyền giáo Phục hưng tại quận Gò Vấp. Đây là ổ dịch lớn nhất từ trước đến nay với hơn 400 ca mắc và dự báo còn tiếp tục gia tăng.
Các bệnh viện cũng đang tham gia triển khai kế hoạch 2.000 giường điều trị với 200 giường hồi sức cho giai đoạn hiện nay và sẵn sàng mở rộng quy mô lên 5.000 giường cho tình huống xấu hơn.
Bên cạnh các bệnh viện dã chiến Củ Chi, điều trị Covid-19 Cần Giờ, Bệnh Nhiệt đới và các bệnh viện chuyên khoa nhi, ngành y tế đã chủ động triển khai mô hình bệnh viện tách đôi "Split hospital" với 550 giường điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch.
Một số bệnh viện ngoại thành cũng sẵn sàng chuyển đổi trở thành bệnh viện chuyên điều trị Covid-19 như Bệnh viện huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh...
TP HCM đang trong đợt bùng phát Covid-19 cộng đồng lớn nhất. Từ ngày 18/5 đến 9/6, thành phố ghi nhận 480 ca Covid-19, hiện đứng thứ 3 cả nước về số ca Covid-19 cộng đồng trong đợt dịch này. Phần lớn các ca liên quan nhóm truyền giáo Phục hưng, được phát hiện từ ngày 26/5.
Họp ban chỉ đạo chống Covid-19 mới đây, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đánh giá sau một tuần giãn cách xã toàn thành phố theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 tại quận Gò Vấp, phường Thạnh Lộc (quận 12), tích cực truy vết, lập nhiều chốt kiểm soát, xét nghiệm diện rộng..., dịch bệnh tại thành phố đang trong tầm kiểm soát và có dấu hiệu chững lại.
"Tuy nhiên, do xuất hiện cả biến chủng Ấn Độ và Anh đã trải qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm nên công tác kiểm soát dịch phải thần tốc, quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa", ông Phong nhấn mạnh.