Chiều 2/9, hơn 26.000 thí sinh ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Đăk Lăk và thí sinh F1, F2 chưa thi tốt nghiệp THPT đợt một (ngày 8-10/8) đến điểm thi làm thủ tục và học quy chế thi.
14h mới phải có mặt nhưng từ 13h, tại điểm thi trường THPT chuyên Lê Thánh Tông (TP Hội An, Quảng Nam), nhiều thí sinh đã tới. Trời nắng nóng, các em vẫn phải tuân thủ mọi bước phòng dịch như đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn trước khi vào điểm thi.
Trần Phước Đăng Hoàng, học sinh trường THPT chuyên Lê Thánh Tông, đến điểm thi trước 30 phút. Dù được thông báo điểm thi đã phun khử khuẩn, chuẩn bị đầy đủ thiết bị phòng dịch, Hoàng vẫn cẩn thận mang theo lọ nước sát khuẩn, đeo khẩu trang từ nhà. Vào điểm thi, Hoàng tìm lên phòng chứ không tập trung ở sân trường. "Không chỉ hôm nay, với những buổi thi sắp tới, em cũng sẽ không nán lại tụ tập cùng bạn bè mà về luôn để phòng tránh dịch", Hoàng nói.
Ở kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt hai, Quảng Nam có 28 điểm thi với 408 phòng, 9.230 thí sinh ở thị xã Điện Bàn, TP Hội An, các huyện Duy Xuyên, Đại Lộc, Quế Sơn, Thăng Bình và một số em diện F1, F2 chưa thi dự thi ở đợt một. Tương tự như đợt trước, các điểm thi đều có nhân viên y tế túc trực nhằm đảm bảo an toàn phòng chống dịch, giúp phụ huynh, học sinh an tâm hơn.
Tại Đà Nẵng, nhiều thí sinh đến điểm thi từ sớm để đảm bảo thời gian thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trước khi vào phòng thi. Phương Thanh, học sinh trường THPT Phan Châu Trinh, cho biết bốn ngày qua Đà Nẵng không ghi nhận ca mắc mới nên có phần thoải mái hơn khi bước vào kỳ thi.
"Hai ngày trước, chúng em đã được lấy mẫu xét nghiệm và kết quả mọi người đều âm tính với nCoV. Em thấy thành phố có những biện pháp rất tốt để tổ chức kỳ thi an toàn trong mùa dịch", Thanh nói. Với việc dành hơn 8 tiếng mỗi ngày để ôn luyện bài vở, nữ sinh kỳ vọng trúng tuyển vào Đại học Kinh tế Đà Nẵng.
Cũng đăng ký xét tuyển Đại học Kinh tế Đà Nẵng, nhưng Trần Minh Hiếu, học sinh trường THPT Trần Phú, lại tỏ ra lo lắng. "Dịch vẫn chưa chấm dứt nên tâm lý em cũng bị ảnh hưởng", Hiếu nói, cho biết sẽ tuân thủ việc đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và giãn cách trong suốt kỳ thi.
Theo dõi điểm của kỳ thi đợt một, Hiếu cho rằng điểm tăng cao sẽ áp lực hơn cho thí sinh ở Đà Nẵng và các bạn thi đợt hai. "Em cảm giác đề thi vừa rồi không quá khó với mình. Nhưng chưa biết đề thi sắp tới ra sao. Nếu khó hơn thì sẽ không thực sự công bằng trong tuyển sinh giữa các trường đại học", Hiếu nói.
Theo yêu cầu về phòng chống dịch ở Đà Nẵng, khi thí sinh đến điểm thi để làm thủ tục cũng như dự thi, nhân viên y tế và tình nguyện viên sẽ phát khẩu trang để các em thay thế khẩu trang đeo từ nhà, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay. Phòng thi cũng được khử khuẩn trước và sau mỗi buổi thi.
Một thí sinh thuộc diện F1, 10 em F2 và 26 em ở các khu vực đang phong tỏa sẽ thi tại trường THPT Võ Chí Công (quận Ngũ Hành Sơn), được bố trí phòng thi riêng cho từng nhóm. Trong đó, trường hợp F1, F2 sẽ mặc đồ bảo hộ và có xe đưa đón từ nơi cách ly đến trường thi.
Trước đó ngày 31/8 và 1/9, Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng đã lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ học sinh, cán bộ, giáo viên và lực lượng tham gia tổ chức kỳ thi. Ngày 2/9, Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố Đà Nẵng cho biết toàn bộ 13.764 mẫu âm tính.
Tại Đăk Lăk, gần 5.400 thí sinh ở TP Buôn Ma Thuột đã đến 9 điểm thi để làm thủ tục dự thi. Trong đó có 26 thí sinh diện F1, F2 của 6 tỉnh Khánh Hòa (13), Gia Lai (5), Đăk Nông (3), Đà Nẵng (3), Phú Yên và Kon Tum mỗi tỉnh có một em. Số thí sinh này sẽ dự thi tại điểm trường THPT chuyên Nguyễn Du.
Tại điểm thi số 3, trường THPT Hồng Đức, hàng trăm thí sinh có mặt từ rất sớm, tất cả đeo khẩu trang, được đo thanh nhiệt trước khi bước vào trường. Nhiều em tỏ ra thoải mái, đến muộn tìm phòng thi.
Năm nay lần đầu tiên trong lịch sử kỳ thi tốt nghiệp THPT bị lùi một tháng rưỡi và chia làm hai đợt do ảnh hưởng của Covid-19. Hơn 880.000 thí sinh thi đợt một ngày 9-10/8. Những địa phương cách ly xã hội như Đà Nẵng, một số nơi ở Quảng Nam, TP Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) và thí sinh F0, F1, F2 sẽ dự thi đợt hai.
Thí sinh sẽ làm bài thi Ngữ văn trong 120 phút vào sáng 3/9, chiều thi Toán trong 90 phút. Ngày 4/9, thí sinh làm bài thi Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hoá học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) trong buổi sáng và môn Ngoại ngữ buổi chiều.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho biết đề thi đợt hai sẽ được xây dựng từ cấu trúc đề thi ổn định, ngân hàng câu hỏi có sẵn như đề đợt một. "Bằng các giải pháp kỹ thuật, đề thi đợt hai sẽ được xây dựng với độ khó tương đồng với đề đợt một nhằm đảm bảo quyền lợi và sự bình đẳng giữa các thí sinh", ông Trinh khẳng định.
Đắc Thành - Nguyễn Đông - Trần Hóa - Dương Tâm