"Người Việt ở nước ngoài trở thành đối tượng điều tra chủ yếu của cơ quan chức năng sở tại trong các chiến dịch truy quét người nước ngoài cư trú, lao động bất hợp pháp và thường xuyên bị phản ánh trên truyền thông, khiến hình ảnh lao động Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực", thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết trong hội nghị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài tại Hà Nội hôm qua.
Theo tướng Quang, tình hình công dân Việt Nam phạm pháp ở nước ngoài vẫn diễn biến phức tạp. Tình trạng cư trú, lao động bất hợp pháp xảy ra ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, các nước châu Âu và Mỹ hay đảo Đài Loan.
Thực trạng này gần đây có xu hướng gia tăng ở Australia, Trung Đông và châu Phi, trong khi tình trạng nhập cư bất hợp pháp ở châu Âu diễn ra chủ yếu ở Anh, Pháp, Đức.
"Từ năm 2018 đến nay, chúng tôi đã phối hợp điều tra, xác minh và xử lý gần 800 vụ công dân Việt Nam phạm pháp theo yêu cầu của các nước liên quan, cũng như tiếp nhận hơn 25.000 trường hợp bị trục xuất", tướng Quang nói.
Những đường dây đưa người Việt Nam nhập cư bất hợp pháp hoặc quá cảnh sang nước thứ ba đã gây bức xúc lớn cho người dân và chính quyền sở tại, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. "Hoạt động tổ chức đưa người Việt Nam xuất cảnh trái phép ngày càng tinh vi, chặt chẽ với quy mô xuyên quốc gia", ông nói.
Đại diện Bộ Công an cảnh báo các đường dây lừa đảo gần đây xuất hiện, lợi dụng mạng xã hội để dụ dỗ, lôi kéo đưa người Việt Nam sang một số nước Đông Nam Á để lao động, nhưng thực chất là "bán" cho các công ty đánh bạc trực tuyến.
Ông Quang chỉ ra một số nguyên nhân của tình trạng này, như Việt Nam chưa quy định về hậu quả pháp lý với công dân phạm pháp ở nước ngoài, chưa có chế tài nghiêm khắc với doanh nghiệp để xảy ra tình trạng lao động vi phạm pháp luật nước sở tại. Việt Nam và một số nước cũng chưa ký kết hiệp định tương trợ tư pháp hình sự hay dẫn độ tội phạm.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng tình trạng người Việt phạm pháp là "bộ phận nhỏ, nhưng ảnh hưởng đến cộng đồng bà con ta ở nước ngoài", nhấn mạnh các bộ ngành cần phối hợp kiều bào chấp hành nghiêm túc pháp luật nước sở tại. "Đó mới là hội nhập thành công", Bộ trưởng Sơn nhấn mạnh.
Hiện có khoảng 5,3 triệu người Việt sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là ở các nước phát triển, theo thông cáo của Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở Nước ngoài.
Kiều bào ngày càng trở thành nguồn lực kinh tế, tri thức và nguồn lực "mềm" quan trọng đóng góp cho sự phát triển của đất nước, góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia và là cầu nối quan hệ giữa Việt Nam và các nước. Khoảng 500.000 chuyên gia, trí thức người Việt đang làm việc tại các cơ sở khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học và cơ sở kinh doanh ở nước ngoài.
Nhiều doanh nhân kiều bào đã thành danh và góp mặt trong danh sách các tỷ phú thế giới. Đến hết năm 2021, kiều bào đã có 376 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 1,7 tỷ USD.
Đức Trung