Vành đai TP Tân An vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng là công trình hoàn thành sớm nhất. Đến giữa tháng 9, dự án đã xong hơn 80%, dự kiến thông xe toàn tuyến cuối năm 2023. Tuyến đường này dài gần 23 km, có điểm đầu giao ngã tư Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa và điểm cuối giao quốc lộ 1 tại phường 5, TP Tân An. Dự án gồm 9 gói thầu, khởi công năm 2019. Trước đây, công trình có tổng vốn gần 1.000 tỷ đồng, song sau đó được điều chỉnh chi phí lên hơn 1.500 tỷ đồng.
Nổi bật trên Vành đai TP Tân An là cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây, hợp long hồi đầu tháng 9. Công trình dài 5 km, rộng 18 m với 4 làn xe, tổng kinh phí gần 600 tỷ đồng, trong đó Trung ương hỗ trợ 350 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương. Cầu dự kiến thông xe vào tháng 11.
Dự án đường Vành đai TP Tân An được tỉnh kỳ vọng giảm áp lực cho quốc lộ 1, tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua TP Tân An, chuyển hướng lưu thông ra các vùng ven ngoại thành. Khi hoàn thành, tuyến đường này cũng tăng thêm tính kết nối giữa các tỉnh miền Tây với TP HCM, đóng góp vào định hướng xây dựng đô thị loại I.
Quốc lộ 50B (trước đây là DT827E) có tổng đầu tư 18.600 tỷ đồng. Công trình dài 55 km, rộng 78 m, từ TP HCM, đến ngã ba Trung Lương, Tiền Giang. Trong đó, đoạn qua địa phận Long An hơn 35 km.
Hiện, công trình trong giai đoạn giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng phần đường dẫn vào ba cầu gồm Cần Giuộc, Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Sông Cần Giuộc được xây dựng hai cầu song song, mỗi cầu có tổng chiều dài 2,7 km, chiều rộng 14 m. Hai cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây có tổng chiều dài bao gồm đường dẫn mỗi cầu trên 6 km. Ở giai đoạn đầu, sông Cần Giuộc xây một cầu với chiều rộng 13 m.
Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải, ba cây cầu bắt qua ba con sông có tổng mức đầu tư khoảng 4.797 tỉ đồng. Trong đó, vốn ODA khoảng 4.060 tỉ đồng, vốn đối ứng ngân sách tỉnh khoảng 736 tỉ đồng.
Công trình dự kiến khởi công năm 2024. Từ khi công bố dự án, tỉnh nhấn mạnh vai trò của tuyến quốc lộ trong việc liên kết vùng. Khi hoàn thành, tuyến sẽ tạo trục kết nối giao thông với đường Vành đai 3 và Vành đai 4 TP HCM, kết nối tới các cửa ngõ quốc tế bằng đường biển (cảng Hiệp Phước, cảng nước sâu Thị Vải - Cái Mép, cảng Long An) và đường hàng không (sân bay quốc tế Long Thành).
Tuyến đường tỉnh 830E (đường song hành Vành đai 4 TP HCM) vốn 3.700 tỷ đồng, đã khởi công từ tháng 4. Dự án dài gần 9,4 km, điểm đầu giao cao tốc TP HCM - Trung Lương (An Thạnh, Bến Lức), điểm cuối kết nối đường tỉnh 830 (Long Định, huyện Cần Đước). Hơn một km đoạn đầu tuyến sau khi hoàn thành sẽ quản lý theo quy hoạch Vành đai 4, TP HCM.
Tuy nhiên, hiện công trình thi công chăm do gặp nhiều khó khăn giải phóng mặt bằng. Theo Chủ tịch UBND Bến Lức - Lê Thành Út, huyện phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ 878 trường hợp bị ảnh hưởng với tổng diện tích thu hồi gần 40 ha, tổng kinh phí bồi thường trên 1.600 tỉ đồng. Đến nay, địa phương chi trả cho 721 hộ với 1.258 tỉ đồng, diện tích 33,15 ha. 157 hộ chưa nhận bồi thường do chưa đồng ý với đơn giá bồi thường, hỗ trợ và chính sách tái định cư.
Ông Nguyễn Văn Được, Bí thư Tỉnh ủy Long An, cho biết đây là công trình trọng điểm đi qua vùng phát triển công nghiệp, dân cư đô thị nhiều tiềm năng, đồng thời tạo ra không gian phát triển mới.
Khi hoàn thành, tuyến ĐT 830E sẽ tạo trục kết nối từ các tuyến đường tỉnh của Long An với quốc lộ 1,Vành đai 3,Vành đai 4 TP HCM. Công trình cũng kết nối các khu, cụm công nghiệp từ Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc đến cảng Hiệp Phước - TP HCM, cảng Quốc tế Long An thông qua đường tỉnh 830 đã hoàn thành.
Ngoài ba công trình trọng điểm, tỉnh Long An còn có 8 công trình đường tỉnh. Địa phương đang thực hiện hai dự án trọng điểm quốc gia là đường Vành đai 3 và Vành đai 4 TP HCM. Với đường Vành đai 3 đoạn qua tỉnh Long An có tổng chiều dài tuyến 6,81 km, tổng mức đầu tư 4.208 tỷ đồng. Đường Vành đai 4 TP HCM dài 200 km, đi qua 5 tỉnh thành. Đoạn qua Long An dài 78 km.
Hoài Phương