Trong một báo cáo mới đăng trên tạp chí Nature, các nhà nghiên cứu đã đánh giá 10.196 loài bò sát bằng các tiêu chí từ Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và chỉ ra rằng ít nhất 21% số loài hiện dễ bị tổn thương, nguy cấp hoặc cực kỳ nguy cấp.
Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học đưa ra một bức tranh toàn cảnh về tỷ lệ động vật bò sát gặp nguy hiểm, dù trước đó mối đe dọa đối với các nhóm sinh vật khác đã được ghi nhận đầy đủ, cụ thể là hơn 40% ở động vật lưỡng cư, 25% ở động vật có vú và 13% ở các loài chim.
"Giờ đây, chúng ta đã biết những mối đe dọa mà từng loài bò sát phải đối mặt, vì vậy cộng đồng toàn cầu có thể thực hiện bước tiếp theo bằng cách tham gia các kế hoạch bảo tồn với thỏa thuận chính sách và đầu tư để xoay chuyển cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học đang bị đánh giá quá thấp", tác giả chính của nghiên cứu Neil Cox, quản lý Đơn vị Đánh giá Đa dạng Sinh học Quốc tế Bảo tồn từ IUCN, nói với AFP.
Trong nhóm bò sát, cá sấu và rùa là những bộ có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất, với lần lượt 58% và 50% số loài bị đe dọa. Cox giải thích rằng cá sấu bị giết để lấy thịt hoặc để loại bỏ chúng khỏi khu định cư của con người, trong khi rùa là mục tiêu của việc buôn bán vật nuôi và sử dụng làm thuốc truyền thống.
Một loài nổi tiếng khác đang gặp nguy hiểm là rắn hổ mang chúa, loài rắn độc lớn nhất thế giới. Nó có thể dài tới 5 m và đi săn các loài rắn khác trong rừng tại một khu vực rộng lớn từ Ấn Độ đến Đông Nam Á. Tuy nhiên, nó đã bị phân loại "dễ bị tổn thương" hay "sắp nguy cấp" trong báo cáo mới nhất.
"Đó là loài mang tính biểu tượng thực sự ở châu Á và thật đáng buồn khi ngay cả những loài phổ biến như vậy cũng đang suy giảm", Cox cho biết thêm rằng việc khai thác gỗ và tấn công có chủ ý của con người là những mối đe dọa lớn nhất đối với rắn hổ mang chúa.
Biến đổi khí hậu cũng được xác định là mối đe dọa trực tiếp đối với khoảng 10% các loài bò sát, mặc dù nghiên cứu cho rằng đó có thể là một đánh giá thấp. Nhóm của Cox hy vọng đánh giá mới sẽ thúc đẩy hành động quốc tế để ngăn chặn sự mất đa dạng sinh học.
Đoàn Dương (Theo AFP)