Với chiều dài có thể đạt tới 1,8 m, rùa mai mềm khổng lồ châu Á hay rùa mai mềm khổng lồ Cantor (Pelochelys cantorii) là loài rùa nước ngọt lớn nhất còn tồn tại trên thế giới. Nó cũng được biết đến như một trong những loài rùa kỳ lạ nhất khi dành hầu hết thời gian trong đời vùi mình dưới cát và chỉ để lộ hai mắt để quan sát.
Khi con mồi như cá hoặc cua lướt qua, nó có thể lao về phía trước với tốc độ nhanh hơn cả rắn hổ mang chúa để đớp gọn mục tiêu và nghiền nát chúng bằng bộ hàm mạnh mẽ. Mặc dù có tên gọi là rùa mai mềm, P. cantorii trên thực tế không có mai, thay vào đó, nó được bảo vệ khỏi động vật ăn thịt bằng một phần lồng ngực nhô ra sau lưng nhưng vẫn nằm dưới da.
Thật không may, rùa mai mềm khổng lồ châu Á đang có nguy cơ biến mất trên toàn thế giới do mất môi trường sống và bị con người săn bắt, thu hoạch trứng quá mức để làm thực phẩm. Ở Ấn Độ, loài bò sát quý hiếm này từng được cho là đã tuyệt chủng sau một thập kỷ vắng bóng, cho đến khi một tổ của chúng bất ngờ được tìm thấy ở bang Kerala vào năm 2020 trong quá trình khai thác cát.
Với sự giúp đỡ của người dân địa phương, nhà nghiên cứu Ayushi Jain từ Hiệp hội Động vật học London (ZSL) đã lần ra vị trí của rùa mẹ trên sông Chandragiri ở Kerala và tìm thấy một số trứng của nó. Ổ trứng sau đó được chuyển đến một trại nhân giống ở sở thú London, nơi chúng được các chuyên gia ấp nở thành công.
Vào tuần trước, nhóm của Jain đã thả 5 rùa con khỏe mạnh trở lại môi trường sống tự nhiên, đánh dấu lần đầu tiên loài rùa mai mềm khổng lồ này được phóng thích tại Ấn Độ sau hơn 10 năm. Nhóm nghiên cứu hy vọng rằng điều này có thể từng bước giúp quần thể loài hồi sinh từ bờ vực tuyệt chủng.
Ngoài Ấn Độ, rùa mai mềm khổng lồ châu Á ngày nay còn được tìm thấy ở khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng bị đe dọa ở tất cả môi trường sống. Loài này hiện bị phân loại "nguy cấp" trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế.
Đoàn Dương (Theo MSN)